Kinh tế năm 2012: Kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu

(baodautu.vn) Sự đồng thuận khá lớn trong các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, đó là mục tiêu hàng đầu vẫn là kiềm chế lạm phát.

“Phải đưa kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Người dân hiện rất quan tâm vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi chủ trì cuộc thảo luận về Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà bộ này đang xây dựng. Dự thảo Kế hoạch dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong tuần này. “Nếu kiềm chế lạm phát được lựa chọn là ưu tiên hàng đầu, sẽ giúp phá vỡ lạm phát kỳ vọng và đây có thể là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiềm chế lạm phát”, ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ phát biểu. Thực tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát luôn là định hướng ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô những năm gần đây. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các nhà tài trợ đã luôn ủng hộ quan điểm này của Chính phủ. Hơn thế, tình hình kinh tế trong và ngoài nước thời điểm hiện tại cho thấy, không thể lơ là với kiềm chế lạm phát, với ổn định kinh tế vĩ mô. 8 tháng đầu năm 2011, lạm phát của Việt Nam đã ở mức 15,68% - vượt ngưỡng thấp (15%) trong mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay của Chính phủ. Trong khi đó, ngưỡng cao (17%) cũng khó đạt được. Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận điều này, khi trong Dự thảo Báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã lần đầu tiên chính thức dự báo, lạm phát năm 2011 sẽ vào khoảng 17-18%. “Cũng phải ở mức đó, chứ khó kiềm chế dưới 17%”, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân nhận định. Vấn đề là, lạm phát năm nay, cộng với diễn biến không thuận của thị trường thế giới, cũng như trong nước, sẽ “làm khó” cho mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2012. Mục tiêu này được Bộ KH&ĐT dự thảo là “dưới 10%”. Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, kinh tế thế giới mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng triển vọng sẽ phục hồi mạnh hơn trong năm 2012, làm tăng nhu cầu về hàng hóa, khiến giá cả hàng hóa tiếp tục gia tăng. Cùng với đó, các cú sốc cung do những điều kiện thời tiết khó lường, sự tăng trưởng quá nóng của các nền kinh tế châu Á, chính sách bảo hộ thương mại của các nước… sẽ gây áp lực lạm phát tăng cao tại các nước. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lạm phát của các nước đang phát triển ở châu Á năm 2012 có thể lên tới 6,5%. Tuy nhiên, câu chuyện của kinh tế năm 2012 sẽ không chỉ dừng ở việc kiềm chế lạm phát ở mức bao nhiêu. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, khi tới thăm và làm việc tại Bộ Kế KH&ĐT vào giữa tuần trước, đã đặt câu hỏi rằng, vì sao liên tiếp những năm gần đây, bất ổn vĩ mô luôn lặp lại. “Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là gì? Cần phải tìm ra để có hướng giải quyết”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói và đề cập một trong những “công việc cần làm ngay” trong năm 2012, mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rất nhiều trong thời gian gần đây, đó chính là tái cơ cấu nền kinh tế. “Chúng ta phải bắt tay vào làm ngay, chứ nếu cứ bàn mãi, loay hoay mãi thì cơ hội sẽ vuột mất, bất ổn vĩ mô sẽ cứ lặp đi lặp lại, không giải quyết được”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói. Bàn về chuyện này, Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh đặt vấn đề là làm thế nào để thực hiện được. “Tái cơ cấu nền kinh tế là việc của toàn dân, toàn hệ thống doanh nghiệp và cả nền kinh tế, chứ không phải chỉ là việc của riêng Bộ KH&ĐT. Vì thế, cần phải đưa ra những tiêu chí cụ thể, để tất cả các bộ, ngành, địa phương… cùng thực hiện”, Thứ trưởng Sinh nói. Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, một trong những mục tiêu quan trọng trong năm tới được xác định là duy trì đà tăng trưởng hợp lý, cao hơn năm 2011. Dự báo năm nay, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6%, còn kế hoạch năm tới, dự kiến là 6,5%. Con số này, theo các chuyên gia kinh tế là không quá khó để đạt được, bởi dự báo của các tổ chức kinh tế, tài chính lớn trên thế giới đều cho rằng, năm 2012, tình hình sẽ tích cực hơn. Dù vậy, xu hướng bất ổn vẫn còn rất lớn. Thậm chí, nhiều quan điểm gần đây cho rằng, kinh tế thế giới có thể đang bước vào một cuộc suy thoái mới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, khi làm việc cùng Bộ KH&ĐT cũng đã nhấn mạnh việc tình hình thế giới và trong nước đang diễn biến nhanh, xu hướng thậm chí xấu đi, để cảnh báo việc Việt Nam cần có những đối sách kịp thời. Hơn thế, chuyện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hiện thời cũng được các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải lưu tâm, bởi độ trễ chính sách có thể sẽ là tác nhân gây khó cho kinh tế Việt Nam năm 2012.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/13ad9dc27f00000100644c6efb2690c1