Kinh tế Italy tăng trưởng khả quan

Ngân hàng trung ương Italy vừa nâng mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 từ mức 0,9% lên 1,4% nhờ đẩy nhanh hoạt động kinh tế hồi đầu năm nay, cũng như xu hướng thuận lợi trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Theo Ngân hàng trung ương Italy, tăng trưởng GDP trong quý II-2017 của nước này đạt 0,4%, bằng với quý trước đó, nhờ những tiến triển thuận lợi về nhu cầu của bên ngoài và trên thị trường năng lượng, nguyên vật liệu. Đây là mức tăng trưởng khá khiêm tốn so với nhiều nước khác, nhưng là mức tăng trưởng quý cao nhất trong vòng 5 năm qua tại Italy, đồng thời là cơ sở để nâng dự báo tăng trưởng GDP của cả năm 2017. Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết, số việc làm tiếp tục tăng lên, bất chấp chính phủ chấm dứt các ưu đãi về thuế đối với những công ty sử dụng nhân công dài hạn, trong khi tín dụng đối với các hộ gia đình chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy đang có chiều hướng giảm ở mức 11,1%; trong khi lòng tin của người tiêu dùng tăng lên. Ngân hàng trung ương Italy dự báo nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 1,3% trong năm 2018 và 1,2% vào năm 2019, tăng so với dự báo hồi đầu năm là tăng trưởng GDP 0,9% trong năm 2017 và 1,1% trong hai năm 2018 và 2019.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy từ mức 1% lên 1,3% cho năm 2017. IMF cho biết nền kinh tế Italy sẽ tăng trưởng cao hơn so với mức dự báo 0,8% mà tổ chức này đưa ra trước đó nhờ đà phục hồi mạnh mẽ hơn ở Khu vực đồng euro (Eurozone) cũng như chính sách tài chính và tiền tệ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo IMF, tăng trưởng kinh tế ở Italy sẽ chậm lại và đạt mức tăng khoảng 1% trong giai đoạn 2018-2020. IMF cho rằng những yếu kém về cơ cấu, nợ công cao, nợ xấu của các ngân hàng cũng như đầu tư thấp là những yếu tố kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế của nước này. Nợ công của Italy ở mức gần 2,28 nghìn tỷ euro trong tháng 5-2017, tăng mạnh so với mức 2,25 nghìn tỷ euro cách đó một năm. Với mức nợ công tương đương 132% GDP, Italy vẫn là một trong những nước có mức nợ công cao nhất Eurozone.

Trong khi đó, các ngân hàng của nước này cũng đang gánh khoản nợ xấu khổng lồ, lên tới 350 tỷ euro. Chính phủ Italy vừa thông báo sẽ chi tới 17 tỷ euro để giải cứu hai ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza đang bên bờ vực phá sản. Từ cuối tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chấm dứt việc cung cấp tài chính cho hai ngân hàng Veneto Banca và Banca Popolare di Vicenza. Thủ tướng Italy P. Gentiloni khẳng định, động thái của chính phủ là nhằm hỗ trợ người gửi tiền và cảnh báo sự hỗn loạn của hai ngân hàng này có thể gây nguy hiểm cho đà phục hồi kinh tế của Italy.

IMF kêu gọi "đất nước hình chiếc ủng" cần thực hiện các cải cách cơ cấu khẩn cấp để duy trì đà phục hồi kinh tế. Về lĩnh vực tài chính công, IMF đánh giá mục tiêu chính thức của Italy giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 1,2% GDP vào năm tới là phù hợp, mặc dù chính phủ nước này gần đây đã đề xuất một mục tiêu ít tham vọng hơn là thâm hụt ngân sách 2,1% GDP.

Dù nền kinh tế Italy đang tăng trưởng khả quan, song Chính phủ nước này vẫn đối mặt nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng ổn định, giải quyết cuộc khủng hoảng di cư nóng lên từng ngày và ngăn ngừa làn sóng ly khai tại một số khu vực. Hiện hai vùng ở miền bắc Italy là Lombardia và Veneto đã quyết định sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về quyền tự trị vào ngày 22-10 tới. Mặc dù kết quả của hai cuộc trưng cầu ý dân không mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng có thể tác động đến cuộc tổng tuyển cử ở Italy dự kiến tổ chức vào đầu năm 2018. Theo đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN), lý do tổ chức trưng cầu ý dân ở hai vùng này chủ yếu là vấn đề tài chính, do Lombardia và Veneto đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 80 tỷ euro. Italy hiện có 20 vùng, trong đó năm vùng đang được hưởng quy chế đặc biệt về quản lý và lập pháp. Hai vùng Lombardia và Veneto đang đấu tranh để được trao các quyền này, trong đó có việc kiểm soát lớn hơn về tài chính.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/33615802-kinh-te-i-ta-li-a-tang-truong-kha-quan.html