Kinh tế đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Anh

Chỉ tính riêng trong quý 1-2014, ngành ngoại giao Anh đã mang lại khoản tiền hơn 5 tỷ bảng (khoảng 8 tỷ USD), gồm vốn đầu tư và trao đổi mậu dịch, cho các doanh nghiệp "đảo quốc sương mù". Số liệu mới nhất một lần nữa tái khẳng định chiến lược mà Chính phủ Anh kiên trì theo đuổi, đó là luôn coi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có vai trò trung tâm trong quá trình hoạch định cũng như triển khai chính sách đối ngoại.

Ông Simon Fraser (Xai-mơn Phrây-xơ) - cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Anh, cho biết vào thời điểm hiện nay, các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Anh (FCO) vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với hơn 70 nhà đầu tư hàng đầu nhằm giúp Chính phủ bám sát tất cả những vấn đề liên quan đến lợi ích và cả những quan ngại của giới đầu tư. Hiệu quả hoạt động của FCO được đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho ngành ngoại giao Anh bị cắt giảm 15% kể từ năm 2010.

Ông Fraser nhận định hoạt động ngoại giao kinh tế đang trở nên phức tạp và đa dạng hơn, vì thế các nhà ngoại giao Anh sẽ phải vượt qua nhiều thách thức hơn để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa cũng như thu hút vốn đầu tư. Theo ông Fraser, giải quyết vấn đề thị thực một cách nhanh gọn và hiệu quả cũng là biện pháp thúc đẩy vai trò của ngành ngoại giao trong nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Anh.

Cộng đồng doanh nghiệp Anh cũng hoan nghênh cách tiếp cận vì nền kinh tế của ngành ngoại giao nước này. Giám đốc đối ngoại của Liên minh Công nghiệp Anh (CBI) Simon Moore (Xai-mơn Mo) cho rằng, FCO đã thực sự "chuyển mình" trong những năm gần đây để trở thành "cầu nối quan trọng và bền vững" giữa doanh nghiệp Anh với các thị trường chủ chốt trên thế giới.

Theo TTXVN

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/the-gioi/kinh-te-dong-vai-tro-trung-tam-trong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-anh/310243.html