Kinh tế châu Á tăng trưởng chậm chạp

Trong báo cáo Kinh tế vĩ mô châu Á quý IV-2016 vừa được công bố, Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC nhận định các quốc gia châu Á đang cùng nhau tăng trưởng ổn định. Mặc dù mức tăng trưởng không ấn tượng như thập niên trước, nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hồi phục tăng trưởng dù chậm chạp.

Dẫn chứng về sự phục hồi, HSBC đánh giá cao 2 trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo tăng trưởng GDP 2 nước đạt lần lượt 6,7% và 7,6% trong năm 2016, sang năm 2017 có mức giảm nhẹ 6,5% và 7,3%. Góp phần vào đà tăng trên do Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp kích thích kinh tế để vực dậy ngành bất động sản và cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, Trung Quốc thực hiện chính sách lãi suất thấp kỷ lục và thúc đẩy chi tiêu tài chính để hỗ trợ tăng trưởng. Sự kiện Brexit không khiến các nhà đầu tư châu Á quá lo lắng. Kinh tế của các nước trong khu vực phục hồi và có niềm tin ở các thị trường tài chính tạo đà tăng trưởng, trong khi chính phủ Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ đề ra một mức tăng trưởng sàn thông qua việc tung ra một chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nhu cầu bất động sản.

Xuất khẩu các nước trong khu vực thời gian gần đây đã tăng trở lại giúp giảm lo ngại hơn so với đầu năm. Các chương trình kích thích tăng trưởng tài chính, cắt giảm lãi suất, cùng chương trình nới lỏng chính sách đã hỗ trợ tăng trưởng cho kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong năm tới, Nhật Bản có thể hồi phục nhẹ nhờ một chương trình kích thích tài chính khác. Cụ thể, GDP Nhật Bản năm 2017 dự kiến sẽ đạt 0,9%, cao hơn so với mức tăng trưởng 0,8% năm 2016. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ phải nỗ lực để tạo dấu ấn trong khi vẫn phải duy trì sự điều chỉnh thích hợp. “Chuyển qua cơ cấu tài khóa dựa vào lãi suất có thể làm cho tình trạng hiện tại trở nên bền vững hơn, nhưng gần đây cũng dấy lên nhiều nghi ngờ về khả năng mở rộng của việc nới lỏng tiền tệ tại Nhật Bản” - HSBC nhận định.

Nhật Bản có thể hồi phục nhẹ nhờ một chương trình kích thích tài chính.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định xuất khẩu Trung Quốc vài tháng gần đây có khởi sắc, nhưng chắc chắn sẽ “xẹp xuống” thời gian tới khi bối cảnh nhu cầu các nước phương Tây chưa hồi phục. Cùng với tình hình ở trong nước, chính sách nới lỏng tiền tệ đang dần mất tác dụng, thanh khoản dư thừa và các bản cân đối tài chính bị phóng đại là những cản trở phục hồi tăng trưởng. Giá bất động sản một số thành phố Trung Quốc tăng vọt buộc các nhà quản lý phải “giật cần kiểm soát” để tiết chế nhu cầu, kéo theo tốc độ các dự án đầu tư mới dần giảm nhiệt. Ngoài ra, tại một số nền kinh tế, nợ công vẫn tiếp tục leo thang nhanh. Giá bất động sản ở Hàn Quốc vẫn duy trì tốt nhưng tăng trưởng có thể sẽ phải chịu đựng thiệt hại nếu nhu cầu xuất khẩu yếu, trong khi tác động của việc tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, thí dụ như ảnh hưởng ngành đóng tàu, điển hình là sự phá sản của hãng tàu Hanjin.

Trong bức tranh kinh tế các nước ASEAN, các chuyên gia HSBC nhận định Philippines và Việt Nam là 2 nước dẫn đầu khu vực. Philippines có mức tăng trưởng cao 6,4% năm 2016 và 6,3% năm 2017 nhờ hoạt động đầu tư nổi trội. Trong khi đó, Việt Nam đã hồi phục từ mức tăng trưởng thấp do hạn hán gây ra hồi nửa đầu năm, dự kiến đạt 6,1% năm nay và 6,5% năm 2017. “Để quay lại thời kỳ kinh tế huy hoàng, các nước châu Á thực sự cần phải cải cách” - các chuyên gia kinh tế HSBC khuyến cáo.

Trọng Anh

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161012/kinh-te-chau-a-tang-truong-cham-chap.aspx