Kinh phí hoàn thuế được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm

Đó là nội dung trọng tâm tại Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đánh giá của các chuyên gia, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Thông tư này đã khắc phục tình trạng phân tán, không tập trung các quy định về hoàn thuế trước đây.

Thông tư 99 đã quy định về việc bù trừ giữa số tiền thuế được hoàn với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt mà người nộp thuế còn nợ ngân sách Nhà nước.

Với nhiều quy định mới, Thông tư số 99 đã được xây dựng với mục tiêu giúp người nộp thuế giảm thời gian, chi phí trong việc hoàn thuế GTGT, xây dựng một ngành thuế Minh bạch – Chuyên nghiệp – Liêm chính - Đổi mới.

Quản lý kinh phí hoàn thuế, phân bổ, thông báo hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế hàng năm là nội dung trọng tâm mà cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế đều quan tâm.

Theo đó, quản lý kinh phí hoàn thuế là một nội dung được sửa đổi, bổ sung nhiều tại Thông tư số 99/2016/TT-BTC nhằm khắc phục vướng mắc quy định tại Thông tư 150/2013/TT-BTC trước đây. Thông tư quy định, kinh phí hoàn thuế được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm do Quốc hội quyết định.

Dự toán hoàn thuế GTGT do Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế quản lý và điều hành chi hoàn thuế GTGT, Cục trưởng Cục Thuế quản lý, sử dụng kinh phí hoàn thuế GTGT để chi hoàn cho người nộp thuế theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Các quy định trên thay thế toàn bộ cơ chế Tổng cục Thuế phân bổ, thông báo hạn mức sử dụng Quỹ hoàn thuế năm cho từng Cục Thuế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 150/2013/TT-BTC.

Ngoài ra, Thông tư còn có một số nội dung được hoàn thiện và nâng tầm pháp lý từ các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và của Tổng cục Thuế như hướng dẫn về việc hồ sơ đề nghị hoàn thuế của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của người nộp thuế; việc thẩm định hồ sơ hoàn thuế và việc xác định số thuế GTGT được hoàn cho người nộp thuế; trách nhiệm giám sát hoàn thuế trên từng hồ sơ hoàn thuế; việc hạch toán thu hồi tiền hoàn thuế GTGT, quyết toán nguồn kinh phí hoàn thuế GTGT.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là quy định về việc bù trừ giữa số tiền thuế được hoàn với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt mà người nộp thuế còn nợ ngân sách Nhà nước. Theo đó, kết quả giải quyết hoàn thuế GTGT nếu đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật được thể hiện qua hai hình thức, đó là Quyết định hoàn thuế hoặc quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách Nhà nước.

Mặc dù còn phải có thêm thời gian để kiểm chứng song Thông tư đã cơ bản giải tỏa được các vướng mắc phát sinh sau một thời gian thực hiện Thông tư số150/2013/TT-BTC và ghi nhận những nỗ lực của cơ quan thuế trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/chinh-sach-moi/kinh-phi-hoan-thue-duoc-bo-tri-trong-du-toan-ngan-sach-hang-nam-93581.html