Kinh phí các chương trình nghệ thuật tại Nhà hát lớn Hà Nội sẽ không sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước

Thông tin này đã được Ban tổ chức (BTC) cho biết tại cuộc họp báo công bố kế hoạch tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

"Theo đó, nguồn kinh phí cho hoạt động này sẽ được huy động từ nguồn tài trợ và nguồn thu bán vé chứ không sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước".

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi dưới đây với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD.

P.V: Thưa ông, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn liệu BTC có thể vận động nguồn xã hội hóa và bán được vé không với một kế hoạch biểu diễn dài hơi mỗi năm trung bình gần 100 suất diễn?

- Ông Nguyễn Đăng Chương: Tổ chức biểu diễn tại địa điểm lý tưởng như Nhà hát Lớn với một chương trình gồm những tác phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thưởng thức của khán giả, với sự nỗ lực của các đơn vị, nghệ sĩ chúng tôi tin rằng kế hoạch này sẽ được duy trì lâu dài, thường xuyên.

Cũng vì nhận thấy chủ trương của Bộ VHTTDL là đúng đắn, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc không chỉ quảng bá được giá trị con người, văn hóa VN mà còn đáp ứng được yêu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân nên hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp tình nguyện đồng hành cùng chương trình.

Ngoài 4 doanh nghiệp chính thức được lựa chọn ở giai đoạn đầu là Seabank, BRG, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty CP Thời trang Nem chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn để mời các doanh nghiệp khác tiếp tục đồng hành với chương trình trong thời gian tới. Trong 3 đêm diễn khởi đầu (30, 31.8 và 1.9) vì đúng vào dịp Bộ tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam nên BTC có dành một số vé để mời các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại VN, các Bộ, ban ngành, một số các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp đồng hành tham gia. Số vé còn lại do Nhà hát Lớn tự phát hành và theo tôi biết đến giờ này vé của 3 đêm diễn đã được phát hành hết.

. Lâu nay các đơn vị nghệ thuật vẫn phải tự lo tổ chức biểu diễn, bán vé doanh thu nay diễn ở Nhà hát Lớn sẽ không phải bận tâm khi nhiệm vụ này được giao cho Nhà hát Lớn Hà Nội. Liệu điều này có gây tư tưởng ỷ lại, không kích thích sự năng động trong công tác tổ chức biểu diễn của các đơn vị không, thưa ông?

- Bộ VHTTDL không bao cấp xuyên suốt cho toàn bộ quá trình sáng tạo của từng đơn vị. Các đơn vị nghệ thuật công lập hiện đang hoạt động bằng nguồn ngân sách của nhà nước thì bản thân họ đã phải có trách nhiệm xây dựng các tác phẩm cho hoạt động thường xuyên của mình rồi.

Mục tiêu của chủ trương biểu diễn tại Nhà hát Lớn phải là những tác phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao, vì vậy sẽ không có chỗ cho tư tưởng ỷ lại hoặc những tác phẩm kém chất lượng. Bộ sẽ có Hội đồng thẩm định Nghệ thuật gồm lãnh đạo Bộ, các nhà chuyên môn trong từng loại hình nghệ thuật để lựa chọn kỹ càng những chương trình, tác phẩm vào biểu diễn. Đây sẽ là cú hích để các đơn vị nghệ thuật tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng để có được những chương trình, tác phẩm chất lượng cao.

- Kế hoạch biểu diễn những tháng cuối năm 2016 đều giành cho các nhà hát trực thuộc Bộ, có ý kiến cho rằng chủ trương mới này chỉ hướng tới chương trình của các đơn vị nghệ thuật công lập nên các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa khó mà đặt nhiều kỳ vọng bước chân vào Nhà hát Lớn. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Tôi đã từng phát biểu rất nhiều lần rằng hoạt động này không chỉ giành cho các đơn vị nghệ thuật công lập mà cho tất cả các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Nhà hát Lớn sẽ là địa điểm biểu diễn cho tất cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, miễn là có chương trình, tác phẩm chất lượng cao.

Trong số 130 đơn vị nghệ thuật công lập chỉ có 12 nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL quản lý còn lại trực thuộc sự quản lý của các Sở VHTTL, Sở VHTT của 63 tỉnh, thành và thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang… Trong những tháng cuối năm 2016, chúng tôi lựa chọn các chương trình, tác phẩm của các nhà hát thuộc Bộ vì đã nắm rất chắc về chất lượng nghệ thuật.

Mặt khác, bản thân các nhà hát thuộc Bộ phải đi tiên phong trong hoạt động này của Bộ. Chương trình, tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật khác sẽ được sắp xếp trong kế hoạch của giai đoạn sau để có thời gian cho HĐNT thẩm định cũng như để các đơn vị nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm, chương trình đạt với tiêu chí.

Chưa nói đến ngân hàng tác phẩm của các đơn vị xã hội hóa thì ngân hàng của 130 đơn vị nghệ thuật công lập có dư những tác phẩm đạt chất lượng cao mà chưa có điều kiện quảng bá tới công chúng thủ đô. Chúng tôi không hề lo thiếu tác phẩm chất lượng bởi vốn dĩ các tác phẩm, chương trình đã và đang được biểu diễn phục vụ khán giả ở các đơn vị nghệ thuật trong nhiều năm qua. Chúng tôi cũng đặc biệt khuyến khích các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa tập trung đầu tư chương trình, tác phẩm có chất lượng để được lựa chọn vào kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn.

- Xin cảm ơn ông!

ƯU TIÊN GIẢM GIÁ VÉ CHO MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG

Chiều 26.8, trao đổi với P.V Báo Văn Hóa, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL cho biết: BTC sẽ ưu tiên giảm giá vé cho một số đối tượng cụ thể, trong đó có gia đình chính sách, người có công với cách mạng; các đối tượng là sinh viên, học sinh, các tác giả hoặc thân nhân của các tác giả đã mất được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về VHNT… nếu họ có nhu cầu vào xem các chương trình tại Nhà hát Lớn.

Theo Báo Văn hóa

nguồn kinh phí cho hoạt động này sẽ được huy động từ nguồn tài trợ và nguồn thu bán vé chứ không sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Văn hóa đã có cuộc trao đổi dưới đây với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD.

nguồn kinh phí cho hoạt động này sẽ được huy động từ nguồn tài trợ và nguồn thu bán vé chứ không sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Văn hóa đã có cuộc trao đổi dưới đây với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/lang-kinh/kinh-phi-cac-chuong-trinh-nghe-thuat-tai-nha-hat-lon-ha-noi-se-khong-su-dung-tu-nguon-ngan-sach-nha-nuoc-207935.html