Kính nổi Chu Lai 'than phiền' thủ tục nhập lốp cũ

Công ty Cổ phần kính nổi Chu Lai (CFG) đã dẫn việc doanh nghiệp này được Chính phủ "cấp giấy phép ưu đãi nhập khẩu" để đề nghị Bộ TN&MT bỏ việc hậu kiểm về điều kiện bảo vệ môi trường đối với mặt hàng phế liệu săm lốp cũ nhập khẩu dùng đốt lò tại doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, trong công văn của CFG gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Tổng cục Hải quan ghi rõ: "Trong giấy phép của Thủ tướng Chính phủ cấp cho CFG, Chính phủ đã khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho CFG nhập khẩu mặt hàng săm lốp cao su đã qua sử dụng trong vòng 2 năm từ thời điểm tháng 4/2016. Sau 2 năm từ thời gian kể trên, việc nhập khẩu và hoạt động sản xuất của CFG mới chịu những ràng buộc của các chính sách mới".

Do vậy, CFG cho rằng doanh nghiệp này hiện không phải chịu điều chỉnh của Thông tư số 2067/TCMT-KSON do Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT gửi Tổng cục Hải quan về việc thông quan hàng hóa phế liệu (trong đó có săm lốp cao su đã qua sử dụng) khi đáp ứng yêu cầu có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

CFG kiến nghị Bộ TN&MT và Tổng cục Hải quan đề nghị thông quan nhanh đối với mặt hàng săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng nhập về tại cảng.

Đồng thời CFG cho rằng, quy định Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường gây khó cho doanh nghiệp khi thời gian chờ cấp phép giấy này sẽ khiến doanh nghiệp ảnh hưởng tới thời gian thông quan, chi phí và tiến độ giao hàng của các hãng tàu tại cảng.

CFG cũng cho biết, nếu muốn xác minh ảnh hưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến với môi trường, Bộ TN&MT có thể nghiên cứu công nghệ, lắp đặt các thiết bị quan trắc môi trường tự động tại ống khói, khu vực nhà máy sản xuất tại huyện Nho Quan, Ninh Bình. Đồng thời, CFG sẽ chịu toàn bộ chi phí cho việc lắp đặt này.

Chính vì thế, DN này đề nghị Bộ TN&MT và Tổng cục Hải quan cho phép DN nhập khẩu lốp cũ mà không áp dụng chính sách hậu kiểm nêu trên.

Được biết, săm lốp ô tô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu dùng làm nguyên liệu đốt cho sản xuất gốm, kính và các ngành nghề thủ công. Mặt hàng này đang nằm trong danh sách hạn chế và cấm nhập khẩu do có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường; hàng phế liệu chất thải có tác động lớn đến môi trường, DN chỉ được quyền nhập khẩu khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6/2016, lượng hàng hóa là săm lốp ô tô đã qua sử dụng tồn đọng nhiều tại các cảng lớn. Trong đó, riêng cảng Hải Phòng có là 1.140 container trong đó 1.060 container không xác định được chủ sở hữu. Trong khi đó, tại TPHCM, tính đến ngày 3/8/2016, lượng hàng tồn là lốp, lốp cao su đã qua sử dụng là 493 container hàng săm lốp qua sử dụng. Lượng hàng săm lốp đã qua sử dụng, ùn ứ lâu tại cảng đã và đang phát sinh chi phí lưu kho, đồng thời hiểm họa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyên Hồng -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/kinh-noi-chu-lai-than-phien-thu-tuc-nhap-lop-cu-87765.html