Kinh nghiệm từ các hội sách quốc tế: Không chỉ là phát triển văn hóa đọc

Đúng nghĩa "đi một ngày đàng học một sàng khôn", 5 ngày trải nghiệm tại Hội sách quốc tế Frankfurt - CHLB Đức (từ ngày 19 đến 23-10) - vừa qua thực sự mang lại giá trị khó có thể đo đếm đối với những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản - truyền thông của Việt Nam.

Đây cũng là kỳ đầu tiên đoàn Hà Nội tham dự hội sách có quy mô lớn nhất thế giới này, tuy vất vả nhưng "thu hoạch" được rất nhiều kinh nghiệm quý trong việc phát triển văn hóa đọc, quảng bá văn hóa, du lịch...

Kinh nghiệm từ các hội sách quốc tế sẽ giúp tổ chức hiệu quả các sự kiện tương tự tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Trong ảnh: Khách tham quan Hội sách Hà Nội 2016. Ảnh: Anh Tuấn

Những ngày bận rộn

"Ngày nào cũng quần quật với Hội sách quốc tế Frankfurt (Frankfurt Book Fair - FBF). Đi từ nơi ở đến hội sách mất gần 1 giờ. Xách vác, leo trèo, đi bộ, gặp gỡ, thuyết trình... Bao nhiêu là việc. Học được rất nhiều" - những lời chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Sách Thái Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Xuất bản Việt Nam, phụ trách hợp tác quốc tế và bản quyền - giúp chúng ta hình dung rõ hơn về những ngày trải nghiệm quý giá của đoàn Việt Nam tại FBF.

Ở FBF năm 2016, ngoài các gian hàng của Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Sách Thái Hà…, TP Hà Nội cũng có gian hàng rộng 24m2 ngay trong lần đầu tiên tham dự. Tại gian hàng Hà Nội, bản đồ Việt Nam được xếp bằng sách rất ấn tượng, thu hút nhiều đoàn quốc tế đến tham quan và giao lưu. Số lượng sách mang sang triển lãm năm nay cũng rất phong phú và đa dạng. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới về chuyến đi này, bà Trần Thị Mai Dung - Trưởng phòng Quản lý Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ: Trong khuôn khổ hội sách, sáng 20-10, đoàn của TP Hà Nội đã có buổi làm việc với ông Juergen Boos - Chủ tịch Frankfurt Book Fair. Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Khánh đã giới thiệu về Hội sách Hà Nội, sự quan tâm và chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về phát triển văn hóa đọc... Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Minh Khánh đã chuyển thư đăng ký tham dự với vai trò là khách mời danh dự tại FBF năm 2021 của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung. Nói thêm về câu chuyện này, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, phải mang văn hóa, lịch sử, du lịch, nghệ thuật Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ra với thế giới. Nếu không có quyết tâm mạnh mẽ và tầm nhìn xa đó, chúng ta khó có được thành công lớn đến như vậy tại hội sách lần này".

Ông Juergen Boos đánh giá rất cao việc TP Hà Nội đã tổ chức được gian hàng tại Frankfurt chỉ trong một thời gian rất ngắn, khẳng định sẵn sàng giúp Hà Nội chuẩn bị tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt trong những năm tiếp theo, cũng như hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo về xuất bản, gặp gỡ các tác giả Việt Nam.

Nắm bắt cơ hội

Các đại diện của Việt Nam đã có thu hoạch cụ thể gì từ chuyến công tác này, chẳng hạn như vấn đề mua, bán bản quyền về sách, mở rộng hợp tác, đánh giá lợi ích kinh tế và xu hướng xuất bản trong thời gian tới? Trả lời câu hỏi này, Phó Chánh Văn phòng Cục Xuất bản, In và Phát hành Hoàng Thu Thủy nhấn mạnh: “Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức gian hàng tham gia các kỳ FBF trong 12 năm qua với tư cách đại diện quốc gia. Đây là cơ hội để chúng ta quảng bá xuất bản phẩm, tiến hành giao dịch, mua - bán bản quyền, tăng cường hợp tác xuất - nhập khẩu sách. Tại FBF 2016, sự vào cuộc của Hà Nội, Thái Hà Books và một số đơn vị khác là rất đáng trân trọng. Cục Xuất bản cũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam tổ chức, giới thiệu xuất bản phẩm, chưa có thống kê cụ thể nhưng chúng tôi biết là đã có nhiều giao dịch bản quyền với các đơn vị tầm cỡ như Amazon và các nhà xuất bản lớn của Đức, Mỹ… được thực hiện”.

Điều quan trọng là sau "một ngày đàng", chúng ta cần làm gì để Ngành Xuất bản vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh phát triển trong thời hội nhập? Đặc biệt, những bài học nào có thể áp dụng để công tác tổ chức các hội sách trong nước ngày càng bài bản, hấp dẫn, qua đó, góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc? Bà Hoàng Thu Thủy chia sẻ: “Chúng tôi học được rất nhiều, như làm sao để nâng cao tính hiệu quả khi tham gia hội sách quốc tế, làm sao để các hội sách quốc tế do Việt Nam tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”.

Đồng ý với quan điểm nêu trên, bà Trần Thị Mai Dung nói: “Dự kiến năm 2018, Hà Nội sẽ tổ chức Hội sách quốc tế tại Trung tâm Triển lãm quốc gia (mới khởi công xây dựng). Chính vì vậy, với chúng tôi, trải nghiệm tại FBF đặc biệt có giá trị, là sự chuẩn bị cần thiết để bảo đảm tổ chức Hội sách quốc tế năm 2018 thực sự thành công”.

* FBF là hội sách lớn nhất thế giới, được tổ chức vào dịp tháng 10 hằng năm tại Frankfurt (Đức). Năm 2016, hội sách có trên 71.000 gian hàng trưng bày với sự tham gia của 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 4.000 sự kiện, mở cửa cho hơn 300 nghìn lượt khách tham quan, khoảng 12 nghìn phóng viên quốc tế tham dự. Hội sách thường được tổ chức trong 5 ngày, là dịp để giới xuất bản và phát hành sách trên thế giới tìm hiểu xu hướng phát triển, ký kết các hợp đồng mua bán bản quyền để phổ biến hay dịch thuật, đồng thời là dịp để các quốc gia quảng bá về văn hóa, du lịch.

* Tham dự FBF 2016, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, Đoàn công tác của TP Hà Nội (gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch) đã tổ chức gian hàng tại Hội sách, tạo được ấn tượng đẹp với những cuốn sách giới thiệu về Hà Nội, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, văn hóa, lịch sử, du lịch, ẩm thực Việt Nam... Khoảng 120 cuộc gặp gỡ, giới thiệu, giao dịch về bản quyền, hợp tác xuất bản, phát hành sách với các nhà xuất bản nước ngoài đã diễn ra tại gian hàng của Hà Nội tại FBF 2016.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/sach/853436/kinh-nghiem-tu-cac-hoi-sach-quoc-te-khong-chi-la-phat-trien-van-hoa-doc