Kinh nghiệm tổ chức sinh viên học tập theo nhóm khi học ngoại ngữ

Giảng viên Nguyễn Thị Huyền Trang (Trường ĐH Đại Nam) chia sẻ phương pháp tổ chức cho sinh viên học tập theo nhóm trong giờ học ngoại ngữ, góp phần giúp sinh viên phát huy tính tích cực trong học tập.

Tổ chức nhóm

Ngay buổi đầu của môn học, giảng viên nên thông báo cho sinh viên biết cách tổ chức nhóm và nội dung hoạt động học tập của nhóm.

Việc tổ chức nhóm sao cho giảng viên có thể bao quát được nhóm. Số lượng thành viên trong nhóm vừa đủ để làm việc được và đồng thời phải phát huy được tính tích cực của mỗi thành viên trong nhóm.

Thông thường, nhóm có khoảng từ 4-6 sinh viên và nên có nhóm trưởng. Giảng viên có thể phân nhóm ngẫu nhiên hoặc theo sự sắp xếp của mình. Cũng có khi để tự sinh viên lựa chọn và tự kết nhóm.

Viên phân nhóm có nhiều cách, miễn sao đạt được mục đích sinh viên có sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, tránh tình trạng trong nhóm chỉ có một vài người làm việc, còn lại không làm gì cả.

Một nhóm hoạt động có hiệu quả cần có cơ cấu như sau: Nhóm trưởng có trách nhiệm tổ chức, điều hành mọi hoạt động của nhóm, nhóm tr ưởng có thể do các thành viên trong nhóm bầu hoặc do giảng viên chỉ định.

Có thể có nhóm phó nếu quy mô nhóm lớn để thay thế nhóm trưởng khi nhóm trưởng vắng mặt hoặc hỗ trợ nhóm trưởng trong một số việc.

Thư ký để ghi chép các diễn biến công việc, thảo luận của nhóm, thư ký có thể được thay đổi theo từng công việc hoặc cố định từ đầu đến cuối.

Phải quy định rõ trách nhiệm cụ thể của từng vị trí thành viên trong nhóm (sinh viên trong nhóm tự phân công công việc). Lưu ý, trưởng nhóm phải có năng lực, nhiệt tình và có uy tín.

Giao việc cho nhóm

Có thể giao cùng một nội dung công việc/đề tài chung cho các nhóm, hoặc mỗi nhóm một đề tài khác nhau, nhưng mức độ khó tương đương nhau.

Đề tài thảo luận phải thuộc nội dung môn học, có thể có nhiều hướng khai thác khác nhau. Phải đặt câu hỏi cụ thể, rõ ràng; hướng dẫn c ụ thể và định hướng cách thức làm việc; lựa chọn vấn đề thảo luận hấp dẫn, có tính kích thích tính tích cực, chủ động làm việc của sinh viên. Chủ đề nên gắn với thực tế để sinh viên tìm hiểu và tìm cách giải quyết vấn đề.

Có thể cho nhóm về nhà chuẩn bị, hoặc cũng có thể thảo luận ngay tại lớp, tùy theo yêu cầu và chủ đề. Nếu thảo luận tại chỗ, thời gian thảo luận phải phù hợp với nội dung và yêu cầu của vấn đề thảo luận.

Nhóm thảo luận và thuyết trình

Giảng viên công bố cách thức thuyết trình bằng phương tiện gì? Người thuyết trình được chỉ định ngẫu nhiên hay cho nhóm chọn và đề cử? (Nếu nhóm đề cử thì mỗi lần thuyết trình sẽ phải thay người khác để mỗi cá nhân đều có cơ hội thuyết trình).

Ngoài ra, có thể chấp nhận cho cả nhóm cùng hỗ trợ tham gia thuyết trình và trả lời câu hỏi phản biện.

Dù thực hiện bằng cách nào nhưng yêu cầu đặt ra là mỗi thành viên trong nhóm phải nhiểu và nắm được nội dung bài thuyết trình của nhóm mình (có thể yêu cầu bất kỳ thành viên nào trong nhóm lên tóm tắt bài thuyết trình trước khi người khác thuyết trình).

Giảng viên chỉ định nhóm nhận xét và phản biện cụ thể hoặc mời ngẫu nhiên bất kỳ trong những nhóm khác phản biện hoặc cũng có thể phản biện tự do (cho sinh viên xung phong). Nên để cho lớp được tự do phản biện trước, nếu không ai nhận xét và phản biện lại thì giảng viên mới chỉ định.

Lúc này, giảng viên nên đóng vai trò là người quan sát, qua đó ghi nhận đúng sai và đánh giá các nhóm.

Giảng viên cũng có thể đặt câu hỏi cho nhóm thuyết trình, cũng có thể hỗ trợ nhóm trả lời câu hỏi của các nhóm khác khi nhóm thuyết trình không trả lời được, hoặc đặt thêm câu hỏi gợi mở để nhóm có thể trả lời.

Trong quá trình các nhóm thảo luận, giảng viên đi tới từng nhóm, lắng nghe, gợi ý, thăm dò xem nhóm nào làm việc tích cực, hiệu quả hơn. Trong điều kiện thời gian có hạn, có thể mời nhóm đó trình bày trước lớp.

Đánh giá hoạt động của nhóm

Để việc đánh giá hiệu quả, chính xác, công bằng và minh bạch, cần thực hiện đánh giá qua nhiều khâu, nhiều phần.

Giảng viên có thể nhận xét, phân tích kết quả thực hiện của từng nhóm, so sánh với các nhóm khác để sinh viên nhận ra ưu điểm, khuyết điểm của nhóm mình. Từ đó, giảng viên chỉ ra cái được, chưa được để sinh viên hiểu đúng vấn đề.

Sinh viên tự đánh giá kết quả làm việc của từng thành viên trong nhóm. Ngay từ buổi đầu, giảng viên công bố cách thức nhóm tự cho điểm các thành viên khi tham gia vào công việc nhóm theo từng chủ đề bằng cách cả nhóm sẽ thống nhất tỷ trọng điểm của từng thành viên sẽ được hưởng trong chủ đề (bài). Tổng điểm này nhân với tỷ trọng của từng cá nhân sẽ được điểm của từng cá nhân.

Sau phần thuyết trình của các nhóm và phần nhận xét của giảng viên, giảng viên yêu cầu các nhóm bình chọn lẫn nhau (chỉ bình chọn, không chấm điểm). Đây là việc làm phát huy tính dân chủ trong việc đánh giá đồng thời giúp cho giảng viên đưa ra kết quả cuối cùng một cách công bằng.

Giảng viên chấm điểm cho các nhóm sau khi đã có sự bình chọn giữa các nhóm với nhau. Phần chấm điểm của giảng viên bao gồm: phần nội dung thuyết trình của nhóm và phần phản biện (nếu nhóm phản biện hay). Ngoài ra, có thể chấm thêm phần kỹ năng thuyết trình. Tất cả những nội dung chấm điểm phải được công bố cho cả lớp biết.

Từ điểm của mỗi nhóm, đem nhân với tỷ trọng mỗi thành viên nhóm dược hưởng sẽ ra điểm của từng cá nhân.

Một số nhược điểm của phương pháp

Vẫn tạo kẽ hở cho một số đối tượng lười học, thiếu ý thức tự chủ trong học tập, chờ hưởng lợi từ thành tích nhóm.

Việc đánh giá khó có sự công bằng tuyệt đối giữa các thành viên trong nhóm vì giảng viên không thể biết hết mức độ đóng góp của từng sinh viên, mặc dù nhóm đưa ra tỷ trọng điểm cho mỗi thành viên được hưởng.

Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của giảng viênNguyễn Thị Huyền Trang (Trường ĐH Đại Nam) tại hội thảo "Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập"

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/kinh-nghiem-to-chuc-sinh-vien-hoc-tap-theo-nhom-khi-hoc-ngoai-ngu-2817641-v.html