Kinh nghiệm quản lý kỷ luật ở Đoàn Sao Vàng (Quân khu 1) (Bài 2)

Bài 2: Nghe chiến sĩ nói thẳng, nói thật

QĐND - Xác định đúng vai trò của việc nắm bắt, quản lý tư tưởng đối với công tác quản lý kỷ luật nên Đoàn Sao Vàng đã có nhiều biện pháp cụ thể, trong đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bộ đội và bồi dưỡng, phát huy vai trò của chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận được Đoàn hết sức coi trọng… Lắng nghe chiến sĩ nói Trước các vụ việc nghiêm trọng như chiến sĩ tự tử, tai nạn giao thông; cho bộ đội đi làm kinh tế gây tai nạn… lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn Đoàn Sao Vàng đã nghiêm túc “mổ xẻ” nguyên nhân và chỉ rõ những tồn tại nêu trên xảy ra do việc quán triệt các chỉ thị, quy định của các cấp chưa sâu, chưa “thấm” đến từng đối tượng; việc chấp hành kỷ luật của một bộ phận quân nhân chưa thực sự tự giác; công tác duy trì kỷ luật của đơn vị chưa chặt chẽ; việc nắm, quản lý tư tưởng của đội ngũ cán bộ chưa sát, từ đó không dự đoán được chiều hướng phát sinh trong tư tưởng bộ đội; chưa thực sự xây dựng được bầu không khí dân chủ cởi mở… Trước thực trạng đó, quý 4-2008, Đảng ủy Đơn vị 2 đã triển khai một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng từ tổ ba người đến toàn đơn vị. Tại những buổi sinh hoạt này, chiến sĩ được khuyến khích nói thẳng, nói thật, nói hết những khó khăn, bức xúc trong công tác và cuộc sống. Thượng tá Đoàn Văn Bình, Chính ủy Đơn vị 2 khẳng định: "Chỉ huy đơn vị phân công cán bộ trực tiếp xuống từng trung đội theo định kỳ hoặc trước những nhiệm vụ lớn để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của chiến sĩ. Cán bộ chủ trì đơn vị còn công khai 2 số điện thoại "đường dây nóng" (quân sự và di động) trước đơn vị. Những số điện thoại này được ghi trực tiếp vào sổ học tập của chiến sĩ, để anh em dễ dàng cung cấp thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng với lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Cũng là cách lắng nghe chiến sĩ, Đơn vị 2 đã thường xuyên tổ chức tốt các buổi diễn đàn thanh niên. Nội dung diễn đàn căn cứ vào thực trạng chấp hành kỷ luật của đơn vị ở từng thời điểm cụ thể. Trung tá Vương Tuấn Kiểm, Chủ nhiệm Chính trị Đơn vị 2 ví dụ: "Khi đơn vị có biểu hiện mất an toàn giao thông, các đơn vị sẽ tiến hành tọa đàm với nội dung nêu bật thực trạng, nguyên nhân và những biện pháp bảo đảm an toàn giao thông...". Trong mỗi buổi tọa đàm, cán bộ, chiến sĩ có thể đưa ra những ý kiến trái chiều để các quân nhân tham gia diễn đàn phản biện. Qua đó, những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực sẽ bị đẩy lùi. Đồng thời, mỗi người có được những định hướng đúng trong chấp hành kỷ luật. Đó chỉ là một vài trong rất nhiều biện pháp các đơn vị của Đoàn Sao Vàng đã triển khai với mục đích lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ. Qua đó, bầu không khí dân chủ ở các đơn vị không ngừng được cải thiện, chiến sĩ dễ dàng bộc lộ tư tưởng, động cơ trong cuộc sống, sinh hoạt và công tác, tạo điều kiện cho cán bộ các cấp nắm bắt nhanh và quản lý chắc tình hình tư tưởng trong đơn vị… Chiến sĩ bảo vệ, dân vận là “cầu nối” Chiến sĩ bảo vệ đầu tiên chúng tôi gặp tại Đoàn Sao Vàng là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, Trung đội 2 (Đại đội 1, Phân đội 4, Đơn vị 2), Trung sĩ Trần Văn Tuyến. Khuôn mặt hiền hậu, ánh nhìn thân thiện của Tuyến khiến người đối diện có cảm giác tin cậy ngay lần đầu trò chuyện. Giọng nhỏ nhẹ, Tuyến kể với chúng tôi mẩu chuyện liên quan đến "nghiệp vụ bảo vệ" của mình. Chuyện là tháng 9 vừa qua, binh nhất Vi Văn Ngôn cùng trung đội với Tuyến, là người dân tộc Nùng, quê ở Văn Lãng, Lạng Sơn, có bố bị ốm nặng. Thấy Ngôn trầm ngâm, lo lắng khác ngày thường, Tuyến gần gũi hỏi han. Ngôn đã kể thật với Tuyến chuyện gia đình và nói có ý định trốn đơn vị về thăm bố. Vừa động viên đồng đội kìm chế cảm xúc, chấp hành nghiêm quy định của đơn vị, Tuyến vừa báo cáo sự việc lên trên theo phân cấp. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của gia đình Ngôn, lãnh đạo Đơn vị 2 đã đề nghị cấp trên giải quyết cho Vi Văn Ngôn đi tranh thủ về thăm bố. Sau lần đó, Ngôn yên tâm công tác và phấn đấu rất tốt. Tình cảm giữa Ngôn và Tuyến cũng ngày thêm gắn bó, tin tưởng... Theo Trần Văn Tuyến, để thực hiện tốt nhiệm vụ của chiến sĩ bảo vệ, trước hết phải làm cho anh em tin tưởng để dễ dàng sẻ chia tâm tư, tình cảm với mình. Muốn vậy, mình phải gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, sống chân tình, cởi mở, gần gũi với anh em. Về với Đơn vị M41, trò chuyện cùng các chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Phân đội 7, chúng tôi thêm hiểu hơn về vai trò của các chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận của đơn vị trong việc nắm bắt, quản lý tư tưởng của bộ đội. Binh nhì Nguyễn Văn Thắng, quê ở phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh kể về Trung sĩ Trần Như Doanh, chiến sĩ bảo vệ của đại đội mình với giọng tự hào: "Đồng chí Doanh luôn quan tâm, gần gũi và biết lắng nghe, chia sẻ tình cảm với anh em trong đại đội. Là chiến sĩ mới nên khi huấn luyện bắn súng, kết quả bắn thử của em đôi lúc chưa được như ý muốn. Thấy em không vui, anh Doanh ân cần hỏi han. Sau này, mỗi lần luyện tập, anh đều dành nhiều thời gian hướng dẫn em rất tỉ mỉ cách lấy đường ngắm chuẩn, cách bóp cò... sao cho đạt kết quả cao nhất". Là cán bộ trực tiếp quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ cho chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận, Thiếu úy Hà Văn Dưỡng, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 4, Phân đội 4, Đơn vị 2 bộc bạch: "Chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận không chỉ là người bạn tâm giao của chiến sĩ trong đơn vị, mà họ còn là “cầu nối” giữa chiến sĩ với cán bộ các cấp. Từ chiếc “cầu nối” ấy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp mới nắm bắt, giải quyết kịp thời những phát sinh về mặt tư tưởng của bộ đội. Qua đó, giúp đơn vị ngày càng ổn định, phát triển... Bài và ảnh: Hoàng Hà-Trung Kiên Bài 1: Khắc phục tình trạng "lúc lên, lúc xuống"?

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/39/39/132828/Default.aspx