Kinh nghiệm phượt Hà Giang mùa tam giác mạch

Cứ vào khoảng cuối tháng 10, cho đến tháng 12 du khách lại ùn ùn kéo về Hà Giang nơi những cánh đồng hoa tam giác mạch khoe sắc để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa giữa đại ngàn Tây Bắc này.

Để có một chuyến đi đến Hà Giang chiêm ngưỡng loài hoa này những du khách và đặc biệt là những phượt thủ phải có kinh nghiệm vì đây là vùng đồi núi nên đường xá, dịch vụ, ít trạm xăng, thời tiết… là những khó khăn trong việc di chuyển nên vùng cao nguyên đá này.

Dưới đây là một số kinh nghiệm hữu ích cũng như lịch trình chi tiết cho chuyến phượt Hà Giang.

Phương tiện

Bạn có thể chọn ô tô khách hoặc xe máy là phương tiện di chuyển tới Hà Giang. Tuy nhiên, tiện lợi và tối ưu nhất vẫn là xe máy. Bởi nếu đi ô tô bạn sẽ không thể chiêm ngưỡng được hết cảnh đẹp ở cao nguyên đá, và có những địa điểm di chuyển ô tô rất khó khăn. Nếu gặp khó khăn về sức khỏe, bạn có thể đi xe khách tới thành phố Hà Giang rồi thuê xe máy để đi tiếp các địa điểm du lịch.

Đường đi

Có hai con đường chính để đi Hà Giang nếu bắt đầu từ Hà Nội:

Đường 1: Khởi hành từ Hà Nội – Sơn Tây (đi đường 21 ở Cổ Nhuế) – cầu Trung Hà – Cổ Tiết – cầu Phong Châu (qua cầu Phong Châu rẽ tay trái) – men theo sông Thao tới thị xã Phú Thọ - Đoan Hùng rồi rẽ đi Tuyên Quang – theo quốc lộ 2 tới Hà Giang (chiều dài khoảng 300 km).

Đường 2:Khởi hành từ Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phú Thọ - Tuyên Quang – Hà Giang (hay tới quốc lộ 2C và quốc lộ 2, dài khoảng 280 km).

Hoa tam giác mạch.

Thời gian

Mùa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Bạn chỉ cần dành ra ba ngày là vừa đủ để đi hết những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Hà Giang.

Lịch trình phượt Hà Giang

Lịch trình tóm tắt: TP. Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Sà Phìn – Dinh Họ Vương – Lũng Cú – Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Bảo Lâm – Bắc Mê – Hà Giang.

Ngày 1: Dành thời gian ở trên đường đến Hà Giang. Đêm đến thành phố thuê nhà nghỉ, tắm, đi ăn đêm và lang thang dạo một vòng thành phố. Trở về khách sạn.

Ngày 2: Dậy sớm trả phòng (dậy sớm để đi được nhiều nơi hơn). Đổ đầy bình xăng + mua 1 chai 1,5l xăng dự phòng. Tiến thẳng tới Quản Bạ (40km). Qua thành phố 10-15km đường lên Quản Bạ đường bắt đầu đẹp. Những con đèo uốn quanh sườn đồi, những dãy núi xa mây trắng bồng bềnh che phủ. Càng lên cao cảnhcàng đẹp.

Gần tới thị trấnTam Sơn bạn có thể ghé qua cổng trời Quản Bạ chơi. Cách đấy một đoạn ngắn là tháp nhìn xuống Núi Đôi Cô Tiên. Lưu ý: Tháp này phải leo bộ bậc thang và góc nhìn – góc chụp bị vướng.Bạn có thể bỏ qua tháp và đi tiếp, có một khúc cua ngay dưới chân tháp nhìn xuống núi đôi quanh cảnh thoáng đãng đẹp hơn.

Từ Quản Bạ, đi Yên Minh (60km). Đoạn gần tới Yên Minh nhiều cảnh đẹp, nhất là đoạn rừng thông Yên Minh. Hai bên đường là cây thông che phủ, cảm giác giống như đi trong rừng thông Đà Lạt. Bạn có thể dừng ở đây cắm trại và ăn trưa luôn.

Đến Yên Minh, có 2 đường rẽ Đồng Văn hoặc Mèo Vạc. Bạn rẽ hướng Đồng Văn. Đi qua Yên Minh một đoạn đặt chân tới đất Đồng Văn bắt đầu xuất hiện những dãy núi đá đầu tiên. Sau đấy một đoạn sẽ đến con đèo quanh co khá đẹp mà mình không biết tên.

Vượt qua đoạn đèo trên bạn tới cổng trời Sà Phìn (Đoạn ngã 3 rẽ đi Cột cờ Lũng Cú và Dinh họ Vương). Lúc này khoảng 2 – 3h trưa. Bạn rẽ luôn xuống dinh họ Vương chơi, thămquanxong quay lại ngã 3 và ngược lên cột cờ Lũng Cú (26km). Đoạn từ cổng trời lên Lũng Cú đẹp khủng khiếp. Dãy núi đá nhấp nhô như những con sóng. Đẹp. Hùng vỹ đến mê hồn. Đoạn này hùng vỹ nhất nhì Hà Giang.

(Bạn có thể lên Lũng Cú, hoặc lựa chọn đi từ Sà Phìn lên cửa khẩu Phó Bảng (7km) để thăm thị trấn cổ trên cao nguyên đá trước, rồi quay lại Lũng Cú. Tùy thời gian cho phép)

Đến đoạn cột cờ Lũng Cú bạn chú ý: đừng gửi xe ở bên dưới chân núi (chỗ đồn biên phòng) mà phóng thắng xe lên trên cột cờ. Nếu các chú ấy ngăn đường không cho đi. Bạn quay ngược xe lại đoạn ngã 3 ngay đầu đường vào chân cột cờ, có một con đường rẽ vào bản Lô Lô. Bạn đi lối này sẽ leo thẳng lên chân cột cờ. Mua vé tham quan trên ấy để tiết kiệm thời gian và sức leo bậc thang bộ.

Rời cột cờ Lũng Cú, còn nhiều thời gian bạn có thể lang thang quanh làng Lô Lô. Rồi quay ngượcvềthị trấn Đồng Văn (đoạn này ~22km). Tới thị trấn thuê phòng nghỉ.

Buổi tối bạn ra thị trấn chơi, đi ăn đồ nướng đêm, uống rượu ngô. Ăn uống no say đi café hoặc về ngủ lấy sức mai đi tiếp.

Ngày thứ 3: Sáng dậy ra ngay phố cổ ănsáng. Có nhiều món: bánh cuốn, cháu ấu tẩu. Ăn xong trả phòng, lên đường chinh phục Mã Pì Lèng.

Mã Pì Lèng là con đèo nối từ Đồng Văn tới Mèo Vạc (20km). Đỉnh Mã Pì Lèng là đoạn nhìn xuống dòng Nho Quế. Từ đầu chí cuối con đèo, cảnh quan đâu đâu cũng đẹp. Không có một bức ảnh nào về Mã Pì Lèng có thể lột tả được hết dáng vẻ hùng vỹ của con đèo này!

Tạm biệt Mã Pì Lèng bạn tới Mèo Vạc ăn trưa. Sau khi ăn trưa, còn một chặng đường khoảng 150 – 180km nữa để về thành phố Hà Giang. Có 3đườngđể về thành phố:

Mèo Vạc – Lũng Phìn – Yên Minh – Quản Bạ – Hà Giang (lối này đi lại đường cũ)

Mèo Vạc – Lũng Phìn – Mậu Duê – Lũng Hồ – Minh Ngọc – Hà Giang

Mèo Vạc – Bảo Lâm – Bảo Lạc – Bắc Mê – Hà Giang (tôi đi đoạn đường này, nhưng tôi không về lại Hà Giang mà đi thẳng tới Cao Bằng luôn để tới thăm thác Bản Giốc. Bạn có thể tham khảo bài viết Kinh nghiệm du lịch Cao Bằng của tôi – tổng hành trình 5 ngày 4 đêm)

Về tới Hà Giang, ngủ lại thành phố 1 đêm nữa. Sáng hôm sau về Hà Nội (trả xe và bắt ô tô nếu bạn đi xe khách).

Vẻ đẹp tinh khôi của loài hoa Tây Bắc giữa cao nguyên đá Đồng Văn.

Ăn, nghỉ tại Hà Giang

Thành phố: Tôi đã mất cả tiếng đồng hồ đi khắp Hà Giang để tìm nhà nghỉ. Do là ngày 30/4 nên chỗ nào cũng hết. Số phận đưa đẩy gặp khách sạn Lan Hương, giá 120k/đêm với phòng 2 giường. Phòng cũ/nhưng có nước nóng. Nhà vệ sinh quên cho giấy/nước có mùi sắt/nhưng với giá 100k-120k thì quá hợp lý. (Ngay gần cây xăng)

Nếu bạn muốn sạch sẽ hơn, dọc đường đi vào thành phố rất nhiều khách sạn và nhà nghỉ. Giá từ 150 – 200 – 300k/đêm.

Đồng Văn: Theo các tài xế xe khách và một số khách du lịch “bụi”. Khách sạn tốt nhất ở Đồng Văn là khách sạn Hồng Ngọc nằm ngay thị trấn gần chợ phiên Đồng Văn, giá phòng từ 120.000 đồng đến 180.000 đồng/phòng (phòng có hai hoặc 3 giường).

Nhà UBND thị trấn cũ ở cuối dãy phố cổ nay cũng là nhà nghỉ bình dân (có thể ngủ với giá 20.000 đồng/người) . Có khoảng 6 – 7 nhà nghỉ quanh đó giá rẻ hơn, dao động từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/phòng. Phố cổ Đồng Văn cũng nhiều. Như tôi nói ở trên, café Phố Cổ (ở được nhưng chỉ phòng khi những chỗ khác hết phòng vì có muỗi đốt/nhà tắm không được sạch.)

Ăn uống: Hà Giang có nhiều món ăn rất hấp dẫn như cháo ấu tẩu, bánh cuốn trứng, xôi ngũ sắc, thắng cố, thịt bò – trâu gác bếp, rượu ngô… Trời se lạnh, ăn một bát cháo ấu tẩu hay thắng cố nóng hổi, uống chén rượu ngô thơm nồng thì còn gì tuyệt vời bằng.

Một số lưu ý khác khi đi đến Hà Giang

Giá dịch vụ ở Hà Giang cao hơn so với các địa điểm du lịch miền Bắc khác, nên bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý và nhớ hỏi giá trước. Nếu đi xa bằng xe máy bạn nên mang theo dụng cụ vá và săm dự phòng, tránh trường hợp đi trên đèo dốc không có quán sửa xe. Không nên đi đoàn quá đông để đảm bảo an toàn trên đường.

Quần áo: đi mùa đông thì nhớ mang đầy đủ khăn, găng và quần áo ấm. Nhưng lựa chọn những chiếc áo lông vũ vừa nhẹ vừa ấm, đỡ cồng kềnh. Mùa hè cũng nên mang theo một chiếc áo khoác mỏng, vùng cao khí hậu về đêm có thể hơi lạnh.

Giày: tốt nhất là giày leo núi của The Northface. Hà Giang toàn đá.

Thuốc men: thuốc đau bụng, đau đầu, dị ứng, kem chống muỗi, gạc, đồ cứu thương gọn nhẹ nếu được.

Nếu bạn đi cắm trại, nhất định phải có thuốc muỗi và đuổi côn trùng. Cùng với củi, chảo, bếp để nấu nướng.

Ngoài ra cần chú ý hạn chế uống nhiều rượu, bia vào buổi tối khiến cơ thể mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe cho chặng hành trình. Không nên cho tiền người dân và trẻ em trên đường tạo thành thói quen xấu.

Và quan trọng nhất, khi đi tới các thửa ruộng, cánh đồng tam giác mạch chụp ảnh bạn cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của người nông dân.

Như Trường

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/kinh-nghiem-phuot-ha-giang-mua-tam-giac-mach-d26845.html