Ánh sáng của tuyết

Bay nửa vòng trái đất, từ mùa xuân Hà Nội để đến miền băng giá Vermont của nước Mỹ xa xôi.

Zehra Khan (Mỹ) một gương mặt ấn tượng tại VSC lần này. Ảnh: VIỆT VĂN

Từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) thân thuộc đến sân bay John F.Kennedy (Mỹ) với 8 terminal mênh mông, người đi lại như máy, và dừng ở sân bay TP.Burlington lặng lẽ và yên bình, giữa hai khoảng không gian và thời gian đó là lúc ngồi quá cảnh gần 8 giờ đồng hồ ở sân bay Quảng Châu (Trung Quốc)… Dường như chính sự liên tục di chuyển giúp con người tạo ra cảm giác cân bằng giữa thân mật và cô đơn, giữa ra đi và trở về.

Muốn ôm chăn ra ngoài trời!

Nhiều người bảo cái lạnh của bên Tây dưới âm độ nhưng chả ăn thua gì so với lạnh buốt của miền Bắc, nhất là vùng cao. Tôi cũng nghĩ thế trong mấy ngày đầu tới Vermont, nhưng đấy là chỉ khi nhiệt độ là -60C đến -80C. Còn khi ông trời thử sức chịu đựng con người, cao hứng cho nhiệt độ xuống -16 rồi -180C thì cái lạnh như ngấm vào từng tế bào da thịt. Nhất là những hôm, trời mưa lất phất, những hạt tuyết li ti tạt vào mặt thì ai nấy đều co ro chỉ muốn chui vào nhà.

Bạn tôi tên Ngọc, lấy chồng, sống ở Đức nhiều năm, bảo: Mình ở xứ lạnh bao năm trời mà vẫn không sao quen được, chỉ muốn ôm cả cái chăn ra ngoài trời!

Hoàng hôn xứ tuyết. Ảnh: VIỆT VĂN

Ngày nào cũng có máy ủi tuyết hoạt động sáng sớm và đầu giờ chiều để đảm bảo giao thông thuận lợi. Nói về giao thông, những lái xe ở đây cực kỳ thân thiện, luôn nhường khách đi bộ.

Còn người dân luôn cởi mở, chào hỏi thăm khách lạ, và nhiều khi chỉ một nụ cười, một cái vẫy tay đã làm bạn cảm thấy ấm áp. Một phần cũng bởi Vermont là tiểu bang nhỏ ở Mỹ, dân số ít, nên yên bình, lặng lẽ. Nó làm tôi nhớ đến vẻ đẹp bình dị của thành phố nhỏ Ioannina khi tham dự Festival nhiếp ảnh quốc tế Photometria vào năm ngoái. Phải chăng những gì nhỏ bé, gần gũi đều đáng yêu?

Tuyết mấy ngày rồi nắng bừng lên, nhất là khi bình minh, mặt trời dát vàng trên đỉnh núi mờ xa và những ngọn cây. Ở đây bình minh khoảng 7h nhưng thời khắc vàng cho con mắt thưởng ngoạn chỉ kéo dài 10 phút. Đắm mình trong ánh sáng vàng mê hoặc đó, bạn cảm thấy cuộc sống thật kỳ diệu. Để rồi có khi bạn không muốn nhìn qua ống kính máy ảnh mà chỉ muốn ngắm và tận hưởng những khoảnh khắc của đất trời một cách toàn vẹn và tự do.

Như là mơ

Tối hôm trước, trời lạnh vừa phải, lại hai hôm liền nắng đẹp nên tôi còn lo không có tuyết nữa. Sáng ngủ dậy, chợt ngỡ ngàng không tin vào mắt mình nữa. Tuyết ngập trắng xóa trên mấy cái cây nhìn từ cửa sổ phòng tôi, tuyết tràn ra bao bọc hai bên đường và tuyết đóng băng trên bậc thềm nhà. Màu trắng như bao trùm, phủ lên mọi cảnh vật. Chợt nhớ đến cái mỉm cười và lời nói chắc như dao chém cột của ông chủ quán cà phê “Dream” kế bên nhà thờ “Ngày mai sẽ có tuyết” chiều hôm trước.

Nắng lạnh. Ảnh: VIỆT VĂN

Ra đường chụp thôi. Lần đầu chụp tuyết có nhiều cảm hứng. Tuyết phản xạ ánh sáng rất mạnh, nên chụp quá một tý là trắng lóa chả nhìn thấy gì mà chụp thiếu sáng là tuyết mang màu xám.

Chừng 10 phút chụp là chân tay lạnh ngắt, nhất là bàn tay tê cứng, đỏ lên vì lạnh, bấm cò máy lập cập. Mà đeo găng tay chụp ảnh, cảm giác bấm máy không thật, cảm xúc cứ tuột đâu mất. Chưa kể đi ngập trong tuyết, khi giày tất ướt nhẹp cảm giác lạnh lan tới đầu ngón chân, làm tôi buộc phải chạy ra cửa hàng secondhand gần đó, mua đại 1 đôi bốt to vật vã. Đi lại khệ nệ trên tuyết nhưng ấm và không lo ướt.

Đi loanh quanh ngó nghiêng, bắt gặp những chiếc ghế bị tuyết đóng băng, cô đơn, âm thầm như dấu lặng của quá khứ. Hai chiếc ghế và cái bàn như lưu lại dấu vết của một cuộc đối thoại, hay đơn giản chỉ là những khoảnh khắc mắt trong mắt nhau. Chiếc ghế trắng như tựa vào gốc cây to từ muôn đời nay, ai hay ngồi ở đó, già hay trẻ, vào thời khắc đó, họ nghĩ gì?

Màu trắng của tuyết làm tôi tự nhiên liên tưởng tới bộ phim “Tâm trạng khi yêu” của đạo diễn nổi tiếng Vương Gia Vệ (Hồng Kông, Trung Quốc), nhiều khi chúng ta muốn chạm vào quá khứ mà không thể!

Tinh thần của sáng tạo

Vermont Studio Center (VSC, Mỹ) được thành lập từ năm 1984 thực sự là một không gian nghệ thuật dành cho các nhà văn, nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới về đây sáng tạo. Lần này có khoảng trên 60 nghệ sĩ, nhà văn được tuyển chọn từ Châu Á, Châu Âu đến Châu Mỹ, đông nhất vẫn là Mỹ. Có những nhà văn già trên 70 tuổi đã dự trại tới 5 lần, mà lần đầu cách đây đã hơn 20 năm.

Có người ở trại 2 tuần, có người 1 tháng và có người cả 2 tháng. Không còn có sự bó hẹp của các loại hình khi có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đương đại, nữ nghệ sĩ Junko Imada (Nhật Bản) nghề chính là điêu khắc, nhưng có thể sắp đặt, trình diễn và làm video art. Harley Grieko (Mỹ) chụp ảnh phong cảnh với máy khổ lớn nhưng cũng ham mê vẽ. Stacey Piwinski (Mỹ) cười ở mọi nơi, đem lại cảm hứng cho nhiều người, vẽ giỏi nhưng sắp đặt cũng tài…

Được gọi là cư dân (resident), mỗi trại viên được phát 3 chìa khóa. Một dùng chung cho mọi cửa vào của các khu studio, một cho phòng studio riêng và một cho nhà ở. Một khu studio thường có hai tầng, mỗi tầng có khoảng 4 đến 6 nghệ sĩ, tầng dưới bao giờ cũng có phòng của nhân viên VSC hỗ trợ, giúp đỡ nghệ sĩ khi cần thiết. Tôi và một số nghệ sĩ khác được bố trí ở Church studio mới toanh, 2 năm trước là một nhà thờ, sau bị cháy vì một vụ hỏa hoạn (do hóa chất).

Hệ thống wifi ở sudio hoạt động tốt nhưng tuyệt nhiên không có wifi ở nhà ngủ. Phòng dining hall dành cho các bữa ăn, các buổi nghệ sĩ nói chuyện (Artist talk) và trình bày ý tưởng (presentation), cũng là nơi dán bản thông báo hằng ngày, nơi nhận thư…, mở cửa 24/24 phục vụ trà, cà phê và hoa quả cho nghệ sĩ, có wifi nhưng ban tổ chức “nhắc nhở” không nên sử dụng điện thoại ở đây. Thư viện nằm ngay tầng 1 có đủ loại sách nghệ thuật từ lịch sử nghệ thuật, tiến trình sáng tạo, tác phẩm các bậc thầy (master) cho đến các nghệ sĩ đương đại… và cũng mở cửa 24/24.

Một căn nhà khác cũng mở cửa 24/24 là nhà meditation (thiền định) dành cho các cá nhân muốn trải nghiệm thiền định và sáng nào cũng có một nhóm ngồi thiền lúc 7h30.

Sự sắp xếp khoa học, chính xác của Ban tổ chức VSC đã tạo ra một không gian riêng để sáng tạo. Nữ nhà văn trẻ chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, hình sự Gabi Gage (Mỹ) bảo với tôi chỉ có đến Vermont chị mới tạm xa lánh cuộc sống gia đình ấm áp, yêu thương để tập trung hoàn toàn cho sáng tác. Phòng của Gabi Gage dán đầy những trang báo về các vụ án mạng, các mẩu giấy vàng (note) ghi những ý tưởng chủ đạo.

Cư dân (resident) đến với Vermont studio center đều làm việc với tác phong cực kỳ chuyên nghiệp. Cảm giác tất cả đều tranh thủ, tận dụng thời gian tối đa để làm việc. Họa sĩ Kapil Dixit (Nepal) ở 2 tháng và ngày nào anh cũng vẽ mới. Kapil bảo anh muốn phủ kín những bức tường và cả trần nhà bằng tranh.

Những câu chuyện trao đổi, học thuật thường chỉ diễn ra trong các bữa ăn, còn lại ai về studio riêng và âm thầm sáng tạo. Chỉ có tối thứ bảy (weekend) là mọi người cùng kéo nhau ra quán bar gần đấy, làm vài ly bia, hát karaoke và nhảy, trong không khí hòa đồng, buông xả.

Hằng tuần, các nghệ sĩ lần lượt lên trình bày ý tưởng (presentation) trong vòng 5 phút, với không quá 20 hình ảnh hay 1 video clip ngắn. Thật thú vị với sự đa dạng, khai phá những vỉa tầng khác nhau của cuộc sống trong góc nhìn của mỗi cá nhân.

Vui nhất là hôm khai trương (open) Studio. Nó như những triển lãm solo thu nhỏ của cá nhân. Và bộc lộ cá tính sáng tạo cũng như phản chiếu gương mặt nghệ sĩ. Có người thích bày biện với những món ăn màu sắc và phong phú, người thích sự giản dị thậm chí là tối giản với chỉ hai màu chủ đạo trong những bức tranh khổ lớn. Và có studio của nghệ sĩ điêu khắc như một công trường ngổn ngang với một số còn dang dở bên cạnh những tác phẩm đã hoàn thành.

Tôi nhớ đến nữ nghệ sĩ trẻ Ivy Guild (Mỹ) sẵn sàng phá đi tác phẩm hôm open studio vào ngay hôm sau để làm cái mới. Luôn làm mới, thay đổi bản thân chính là tinh thần của sáng tạo.

Ký sự của VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/anh-sang-cua-tuyet-597488.ldo