Kinh hoàng chế biến ô mai bán Tết từ nguyên liệu bốc mùi ẩm mốc

Ô mai là thứ đồ ăn khó có thể thiếu được trong hương vị ngày Tết. Nhưng hiện nay tình trạng sản xuất và chế biến ô mai bẩn khiến người dân lo lắng.

Khi đi sắm sửa Tết, chẳng bà nội trợ Hà Nội nào lại quên thêm vào giỏ hàng của mình những hộp ô mai thật ngon và đẹp mắt để tiếp khách. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất lợi dùng sự tin tưởng của khách hàng, đã chế biến ra những loại ô mai, xí muội bẩn, mất vệ sinh. Nguyên liệu để làm các loại ô mai này hầu hết đều không được đảm bảo. Ô mai sử dụng các loại quả thối (như sấu, quất, mận, nho…) để sản xuất. Sau khi được tẩm ướp hóa chất, các nguyên liệu bẩn, kém vệ sinh này được chế biến thành những sản phẩm rất hấp dẫn mà chúng ta rất khó để phát hiện ra khi ăn.

Phát hiện vụ chế biến ô mai bẩn gây hoang mang

Mới đây nhất, VTV24 đã có cuộc điều tra tại một cơ sở sản xuất ô mai ở khu đô thị Tân Tây Đô, Đan Phượng, Hà Nội. 8h tối, khu biệt thự liền kề chưa có người ở này được các chủ hàng sử dụng để làm kho chứa đồ, nguyên vật liệu làm ô mai.

Phát hiện vụ chế biến ô mai bẩn gây hoang mang. Ảnh: VTV

Trên nền đất ẩm ướt, hàng trăm bao tải căng phồng, phủ bạt kín mít, bên trong là các loại ô mai đã tích trữ lâu ngày đã bốc mùi ẩm mốc. Các loại dụng cụ để phơi ô mai cũng được để sẵn trong góc nhà. Con đường phía trước cửa nhà cũng được tận dụng để làm nơi phơi ô mai. Những tấm vải bạt để phơi ô mai rất bẩn, bên trong là ô mai đã bị chảy nước. Thậm chí, chủ của những tấn ô mai này không thèm đưa cất, trông nom ô mai mà cứ để chúng phơi bên đường qua đêm, trùm bạt lên và đè thêm vài viên gạch.

Tuy nhiên, đến sáng, những người chủ hàng xuất hiện, sàng lọc những hạt ô mai hư hỏng. Được biết, lượng ô mai lớn này được các chủ hàng tích trữ, thu mua mơ, mận, sấu đầu mùa từ các tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó đem về ngâm, tẩm, ướp, tích trữ đợi đến mùa Tết thì sàng lọc, làm lại và tung ra thị trường với giá bán buôn rất rẻ khoảng 20.000 đồng/kg.

Liên quan tới sản xuất và chế biến ô mai bẩn, trước đó báo VnExpress đưa tin, Đoàn thanh tra, kiểm tra do Cục An toàn thực phẩm chủ trì đã kiểm tra một số điểm kinh doanh sản phẩm Tết tại Hà Nội và Hòa Bình. 17 mẫu sản phẩm được lấy để kiểm tra gồm nem giòn, xúc xích, ô mai, cải thảo, cải rổ, nạc thịt heo, mực tươi, chân gà đông lạnh, cam sành, bánh oản, mứt cổ truyền, mứt bí…

Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện ô mai mơ chua ngọt, ngày sản xuất 17/11/2015; hạn sử dụng 17/11/2017. Đây là sản phẩm của một doanh nghiệp nổi tiến chuyên sản xuất ô mai ở Hà Nội. Mẫu được lấy tại siêu thị Big C Thăng Long, chi nhánh thuộc Trung tâm Thương mại The Garden, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sản phẩm không đạt về chỉ tiêu về saccharin: hàm lượng công bố ≤ 200 mg/kg, kết quả kiểm nghiệm là 1.336 mg/kg; hàm lượng cyclamate công bố ≤ 1.000 mg/kg, kết quả kiểm nghiệm là 8.310 mg/kg.

Tác hại của ô mai bẩn tới sức khỏe

Báo Phụ nữ TPHCM dẫn thông tin từ một số chuyên gia cho biết, khi ăn phải các loại ô mai bẩn như vậy, nguy cơ bị đau bụng là rất cao. Không những thế, nó còn dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc thực phẩm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng như gan, mật, thận...

Sản phẩm càng có màu sắc lòe loẹt càng độc hại vì có thêm các loại phụ gia, phẩm màu. Phẩm màu trôi nổi là tác nhân gây nhiều loại bệnh cho gan, thận, về lâu dài gây ung thư cho người sử dụng. Ô mai không nguồn gốc thường có vị mặn quá hoặc ngọt quá. Ô mai mặn cao, nếu ăn thường xuyên sẽ tạo thành thói quen ăn mặn, thừa muối, nguy cơ tăng huyết áp sớm.

Ô mai bẩn nhưng nhiều người vẫn lựa chọn mặt hàng này trong ngày Tết. Ảnh minh họa

Còn độ ngọt của ô mai không phải do đường kính mà chủ yếu nhờ đường hóa học hoặc các chất tạo ngọt. Năm 2012, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin, 65/90 mẫu ô mai xí muội được lấy làm xét nghiệm trên cả nước sử dụng đường sarcarine vượt quá giới hạn cho phép, 13 mẫu sử dụng cyclamate, một loại chất tạo ngọt bị cấm sử dụng.

Ngoài ra, ô mai còn có chất tẩy trắng, chất tạo hương, chất tẩy nấm mốc, sát trùng... không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, không đảm bảo độ tinh khiết… vô cùng độc hại. Chính vì lý do đó mà các loại ô mai để trong môi trường ẩm thấp, nóng nực thời gian dài nhưng không hề bị chảy nước, bị mốc hay thối rữa. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua ô mai tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần rõ ràng.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/kinh-hoang-che-bien-o-mai-ban-tet-tu-nguyen-lieu-boc-mui-am-moc-d111910.html