Kinh hoàng biệt dược thần sa

Nhiều, rất nhiều người, từ người khỏe mạnh đến nay đau mai yếu hay lâm trọng bệnh đều tin rằng "thần sa" là đại bảo dược của chốn cung đình phương Bắc một thuở, có khả năng trị tiệt nọc các chứng thần kinh điên cuồng, mất ngủ, suy nhược tinh thần.

Cận cảnh "biệt dược" thần sa.

Người ta còn tin thần sa là vị thuốc thần chữa được các bệnh giang mai, động kinh, hen suyễn. Ly kỳ hơn, có nhiều chị em tự ý mua thần sa về bào chế làm kem dưỡng da theo công thức làm đẹp nơi cung cấm của mỹ nhân Dương Quí Phi đời Đường và Từ Hy Thái Hậu. Lại có người dùng thần sa trong việc chữa chứng đột quỵ và cả ung thư tuyến tiền liệt?!

Không ồn ào như nấm lim xanh, cũng chẳng ầm ĩ như cây xáo tam phân quen được người đời gọi là "cây thần dược"… nhưng không vì thế mà trào lưu bá tánh "thần tượng" thứ gọi là "biệt dược thần sa" kém phần khốc liệt. Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế người ta tin sái cổ và mặc sức mua, thoải mái dùng. Chẳng mấy ai bận tâm đến mối nguy từ thứ "biệt dược" kia, được ngành y học cổ truyền và hiện đại xếp trong nhóm thuốc cực độc. Nếu không biết cách dùng, nhẹ thì sức khỏe suy kiệt và tử vong nếu nhiễm độc nặng là điều không thể tránh khỏi!

Bí quyết làm đẹp của mỹ nhân cung cấm?

Gần 40 tuổi nhưng chị Mỹ Dung, ngụ phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) vẫn mê mải chuyện làm đẹp để luôn là bông hồng trong mắt "tướng công". Điều kiện kinh tế khá giả nên chị Dung không tiếc tiền trong việc làm sao và làm thế nào để có được làn da như da... em bé.

Đắp bột vàng, bột ngọc trai, lấy nhân sâm xay nhuyễn làm dung dịch đắp mặt…, chị Dung xởi lởi cho biết kiểu làm đẹp da quý phái nào chị cũng đã từng kinh qua: "Giờ thì mình chỉ kết cái món dùng thần sa tán với sáp ong và trứng gà để nuôi nhan dưỡng sắc" - bà mẹ của 4 đứa con tâm sự.

Tôi biết được độc chiêu làm đẹp với thần sa là "vị chủ lực" của chị Dung khi thấy chị ghé quầy đông dược M.Vượng ở phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông tại quận 5, hỏi mua 1kg chu sa (tên gọi khác của thần sa - PV) với giá 2 triệu đồng/kg. Nói về cội nguồn của bài thuốc nuôi dưỡng dung nhan từ thần sa với sáp ong và trứng gà, chị Dung cho biết đấy từng là bí quyết của mỹ nhân Dương Quý Phi, sau được các thái giám rò rỉ ngoài dân gian, từ đó được lưu truyền đến tận hôm nay. Theo đó, để có phấn thoa mặt, Dương Quý Phi cho người lấy quả trứng đang được gà mẹ ấp trong ổ đục thủng một lỗ ở đầu lớn, dùng ống hút lòng đỏ ra rồi cho bột thần sa vào, dán kín lại bằng một miếng vỏ trứng khác với sáp ong đun nóng cho tan chảy (đổ lên trên - PV). Đâu đó rồi, người ta sẽ đưa quả trứng vào ổ cho gà mẹ tiếp tục ấp.

"Đúng 21 ngày sau, ngay khi các quả trứng nở ra gà con thì Dương Quý Phi cho lấy quả trứng chứa thần sa gỡ bỏ vỏ, cho phần "lõi" gồm lòng trắng kết dính với thần sa đem đi giã nhuyễn. Tối đến trước khi đi ngủ, mỹ nhân đời Đường rửa mặt bằng nước ngâm hoa hồng, lau sạch mặt trước khi thoa bột trứng gà thần sa lên mặt". Dứt lời, chị Mỹ Dung tấm tắc: "Nhờ bài thuốc bí truyền đó mà da mặt của Dương Quý Phi luôn mịn màng, tươi sáng (?!)”.

Chị Dung không phải là trường hợp cá biệt mê làm đẹp tin sái cổ biệt dược trứng gà-thần sa. Bà Vượng, chủ quầy dược liệu có rao bán thần sa - nơi mà chị Dung đến mua về pha chế làm mặt nạ dưỡng da, cho biết dạo gần đây, số người đến mua thần sa gia tăng đột biến.

Người mua chữa bệnh, kẻ mua để làm đẹp: "Cách đây 2 ngày, cũng có một cô tuổi ngoài 30 đến hỏi mua một lúc 2 ký thần sa. Hỏi thăm thì cô ấy bảo làm ở một tiệm uốn tóc ở quận 12, biết cổ xuống phố mua thần sa về làm mặt nạ nên một số đồng nghiệp, khách hàng, người quen nhờ mua. Cổ nói qua nghiên cứu sách báo thấy người ta bảo lúc xưa, bà Từ Hy Thái Hậu được ngự y khuyên muốn có làn da tươi trẻ mãi hoài thì dùng thần sa kết hợp với lòng trắng trứng gà. Nhờ siêng bôi hợp chất đó nên da bà Từ Hy rất nhuận, tươi sáng, khỏe mạnh. Thấy hay quá và thấy dễ ứng dụng nên mấy bà mấy cô lao vô" - bà Vượng trò chuyện.

"Thủ cung sa" - biệt dược kiểm tra trinh tiết!

Chẳng như các bà các cô chỉ chú trọng chuyện làm đẹp, ông Tương, một cán bộ hưu trí, thường hay ghé sinh hoạt tại Hội quán Tao Đàn nằm trong khuôn viên Công viên Văn hóa Tao Đàn (quận 1) thì có cách ứng dụng thần sa vào việc chữa các chứng bệnh mất ngủ, động kinh, loạn thần…

Được hỏi thăm, ông này tỏ ra rất tâm đắc với thứ "biệt dược" thần sa mà theo chú giải của ông có nghĩa "cát thần": "Sa là cát, thần ở đây không phải thần tiên, mà là thần hiệu. Khi được ghép lại với nhau, thần sa là hàm ý của người xưa rằng đó là thứ cát thần hiệu đến kỳ diệu vì chữa được nhiều bệnh nan y mà ngày nay, y học hiện đại cũng lắm khi bất lực!".

Ngoài những công dụng trên, ông Tương còn biết, người Trung Quốc cổ đại còn biết ứng dụng thần sa trong việc chế biến thành "biệt dược thủ cung sa" để kiểm tra trinh tiết hay cái ngàn vàng của gái đồng trinh. Phương pháp luyện thủ cung sa khá đơn giản, cho thạch sùng (thằn lằn-PV) ăn thần sa đến khi toàn thân con vật chuyển từ màu vàng sang đỏ thì bắt làm thuốc.

Khi nó lột xác từ đầu đến đuôi, người xưa sẽ bắt lấy giã nhuyễn tạo thành chất sệt có màu đỏ như máu. Đâu đó rồi họ sẽ chấm thứ nước đỏ sền sệt ấy lên tay hay bất kỳ bộ phận cơ thể nào của cô gái, thường chấm trên cổ tay. Khi tiếp xúc với da người và thấm sâu thì thứ chất đỏ kia sẽ tạo thành vết đỏ như son. Nếu cô gái ấy không thất thân thì vết son ấy còn mãi".

Bật mí chuyện thâm cung về cái gọi là biệt dược "thủ cung sa" xong rồi, ông Tương cho biết, bí thuật đó có từ thời Hán Vũ đế. Vì cung nhân nhiều quá, sợ rằng nhiều người sẽ thất thân nên quân vương cho áp dụng cách đánh dấu thủ cung sa nhằm dễ bề kiểm soát cung tần phi nữ chốn lục viện.

Đùa với tử thần!

Thần sa còn có nhiều tên gọi khác như chu sa, đơn sa. Thần sa là một trong những thành phần làm nên bài thuốc An cung ngưu hoàng lâu nay được xem là sản phẩm phòng chống và điều trị tai biến mạch máu não bậc nhất của y học cổ truyền (vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện trong An cung ngưu hoàng có chứa hàm lượng kim loại độc như chì, thủy ngân, thạch tín… gấp hàng nghìn lần cho phép-PV).

Trong Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc, TS sinh học Võ Văn Chi ghi thần sa hay chu sa "có nguồn gốc nhiệt dịch, có trong các mỏ Hg và Hg - Sb, đôi khi có trong các mạch thạch anh chứa vàng, thường gặp trong các mạch không sâu và ở những dạng thấm trong đá, thường biểu hiện dưới dạng khối, bột, hạt, vết bám và có khi dạng kim nhỏ".

Theo TS Võ Văn Chi, thần sa là khoáng vật quặng duy nhất của thủy ngân. Người ta phân biệt chu sa thường ở thể bột đỏ, còn thần sa thành khối óng ánh, to nhỏ không nhất định, màu đỏ hay đỏ tươi. Theo ông Bùi Văn Cứ (Hội Hóa học TP HCM), thành phần chủ yếu của thần sa là sulfur thủy ngân HgS, thường lẫn một số tạp chất khác như thư hoàng, quặng phosphat, nhựa đường, selen… Thần sa bay hơi dưới tác dụng của lửa củi.

Đông y ghi: thần sa có vị ngọt, hơi hàn, có tác dụng an thần, trấn kinh, giải độc, chống co giật mạnh và kéo dài giấc ngủ. Với đặc tính ấy, thần sa thường được dùng trị điên giản, kinh phong, tâm phiền mất ngủ, ngủ hay mê, giật mình, trẻ con khóc đêm, trúng độc, lở ngứa, ghẻ nấm. Dùng uống trong, với liều 0,30 đến 1g một ngày dưới dạng bột hay thuốc viên hoặc hấp với tim lợn cho ăn. Dùng ngoài tán bột xoa rắc.

Các lương y cho biết, chuyện dùng thần sa cho vào quả trứng gà làm bột đắp mặt theo "xì-tai" (style-phong cách-PV) của Dương Quý Phi hay Từ Hy Thái Hậu, không thấy được đề cập trong y văn. Chuyện dùng thần sa cho thằn lằn ăn để tạo nên cái gọi là biệt dược "thủ cung sa" đặng đánh đấu - kiểm tra trinh tiết của phụ nữ, càng chẳng thấy y văn, tài liệu nào đề cập.

Các lương y chỉ biết rằng, thần sa là vị thuốc cực độc (bảng B), người bệnh không được tự ý dùng: "Người ở thể hư hàn, ỉa chảy, tuyệt đối không dùng thần sa. Khi dùng quá liều hoặc dùng lâu ngày sẽ bị ngộ độc" - lương y Nguyễn Thái Bình (quận 12), lưu ý.

Trong quá trình thu thập thông tin về những mối hại của việc tự ý sử dụng thần sa trị bệnh, chúng tôi biết được câu chuyện hơn 1 năm trước. Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận một bé trai được đưa đến cấp cứu trong tình trạng thất thần, mệt mỏi, bụng chướng, đi ngoài phân đỏ... và có dấu hiệu ngưng thở. Hỏi ra bác sĩ mới biết bé bị động kinh, đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trong quá trình điều trị, nghe nhiều người mách bảo, thần sa là thuốc an thần chống co giật rất tốt, nên bố mẹ bé đã tự ý cho con dùng thần sa mà không ý thức được sự nguy hại. Dùng được vài ngày thì bé rơi vào trạng thái nguy kịch. May mà tình trạng ngộ độc của bé chưa nặng nên sau 3 tuần điều trị bé được cho xuất viện.

Được biết hiện nay, nguồn thần sa -chu sa được bán tại Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cần nói rõ rằng khi chúng tôi hỏi thăm chị Mỹ Dung, ông Tương và một số người khác đang quay cuồng với biệt dược thần sa rằng họ nắm được thông tin dùng thần sa làm đẹp, chữa bệnh này bệnh nọ từ đâu thì họ vô tư trả lời rằng qua đọc và nghiên cứu trên các trang mạng xã hội chuyên về lĩnh vực sức khỏe, làm đẹp.

Nhấp chuột vào một số trang như thế, chúng tôi tá hỏa trước vô số lời lẽ tán dương tác dụng chữa bệnh siêu hạng của không chỉ thần sa, mà của nhiều loại cỏ cây hoa lá, cùng các khoáng vật khác. Thứ nào cũng được gắn với chức năng diệt ung thư này, trừ ung thư nọ mà không nói về những chống chỉ định, tác dụng phụ hay cảnh báo

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2014/10/84261.cand