Kinh hãi loại kí sinh trùng thích chu du trong cơ thể người

Ước tính trên thế giới đã có khoảng 75 triệu người mắc phải và bệnh phát triển mạnh ở những nơi có thời tiết nóng, ẩm, điều kiện vệ sinh kém.

Giun lươn là một bệnh ký sinh trùng lây qua da và niêm mạc. Đây là loài có chu kỳ tự nhiễm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Bệnh phát triển mạnh ở những nơi có thời tiết nóng, ẩm, điều kiện vệ sinh kém, vùng lưu hành nhiều nhất là Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan trong cơ thể mà chúng di chuyển qua như: da, tiêu hóa, phổi, thực quản, hạch bạch huyết.... gây ra nhiều triệu chứng như nổi mề đay, ngứa da, có khi đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ho kéo dài và nhiều biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.

Khởi đầu của bệnh này là nhiễm ấu trùng giun lươn có tên khoa học là filariform, ấu trùng này xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc niêm mạc từ đất bị nhiễm. Sau đó nhiễm ấu di chuyển đến phổi và xâm nhập vào khoang phế nang; di chuyển qua cây phế quản đến vùng hầu họng, sau đó được nuốt xuống dạ dày ruột non. Tại ruột, chúng phát triển thành giun lươn trưởng thành gây bệnh, giun lươn cái xuyên thủng niêm mạc ruột chui vào sống trong thành ruột gây viêm loét ở đoạn tá tràng. Giun cái đẻ trứng trong thành ruột khoảng 50 - 70 trứng mỗi ngày. Trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng chui ra lòng ruột và theo phân ra ngoài. Ở bên ngoài, ấu trùng lại tiếp tục lây nhiễm cho người khác.

Dấu hiệu ban đầu của giun lươn cấp tính là ngứa cục bộ, ban đỏ phát ban ở vị trí thâm nhập da. Bệnh nhân sau đó có thể có biểu hiện kích thích khí quản và ho khan do ấu trùng di chuyển tới phổi và khí quản. Sau đó ấu trùng tiếp tục di chuyển tới thực quả và được nuốt vào đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn. ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ. Đau bụng có thể ở bất cứ vị trí nào nhưng thường hay đau vùng trên rốn và vùng bên phải. Vì vậy dễ chẩn đoán nhầm là đau bao tử; đau do gan mật; đầy hơi trướng bụng. Biểu hiện ở các cơ quan khác như viêm phổi gây ho, khó thở, viêm đa khớp, đau cơ, phù toàn thân, phì đại hạch... Có trường hợp tìm thấy ấu trùng trong nước tiểu.

Lươn mạn tính thường ít biểu hiện triệu chứng qua rối loạn tiêu hóa, ngứa, ban đỏ thâm nhập da là phổ biến nhất. Những biểu hiện ở đường tiêu hóa như đau vùng thượng vị, tức bụng sau khi ăn, ợ nóng, tiêu chảy hoặc táo bón. Các triệu chứng giống như bệnh viêm ruột, chủ yếu là viêm viêm loét tá tràng được chẩn đoán qua hình ảnh nội soi. Các triệu chứng ở da bao gồm mày đay mạn tính, dầy hơn các vết bầm máu (currens) nốt dát sần serpiginous dạng ecpet tái phát nhiều lần hoặc phát ban mày đay dọc theo mông, đáy chậu và đùi.

Cũng giống như các bệnh ký sinh trùng khác, bệnh giun lươn rất khó chẩn đoán vì biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt, giun lươn còn là tác nhân gây nhiễm trùng cơ hội, bộc phát mạnh trên cơ địa suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến tử vong.

Theo Minh Nguyên/Thethaovanhoa

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/kinh-hai-loai-ki-sinh-trung-thich-chu-du-trong-co-the-nguoi-223977/