Kinh doanh và sản xuất ô tô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thuận lợi và thách thức

Trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô quốc tế Việt Nam (VIMS 2016) tại TP.HCM, ngày 27-10, đã diễn ra Hội thảo với nội dung: Thuận lợi và thách thức của ngành kinh doanh, sản xuất ô tô trong bối cảnh hướng tới cạnh tranh tự do và vai trò điều tiết của Nhà nước.

Các diễn giả tại Hội thảo

Hội thảo do Báo Hải quan phối hợp với Tập đoàn LeBros tổ chức.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Hải quan- Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm-Bộ Giao thông vận tải; đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu (NK), kinh doanh, sản xuất ô tô tại Việt Nam, cùng đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông.

Khai mạc hội thảo, ông Laurent Genet- Tổng Giám đốc, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng, đại diện Ban Tổ chức VIMS 2016 cho biết: Thị trường ô tô Việt Nam hiện đang rất tiềm năng và ngày càng sôi động, đặc biệt sau khi các hiệp định tự do thương mại được ký kết. Điều này mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp cũng như mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời cũng kéo theo nhiều thách thức liên quan đến hạ tầng giao thông, chính sách thuế, chính sách quản lý...

Gợi mở các vấn đề vấn thảo luận bà Vũ Thị Ánh Hồng- Tổng biên tập Báo Hải quan đã đề cập đến nội dung “Kinh doanh và sản xuất ô tô tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và vai trò quản lý của Nhà nước”.

Dẫn số liệu từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, bà Vũ Thị Ánh Hồng đã đưa ra cái nhìn tổng quan về thị trường ô tô trong 3 năm gần đây với tốc độ tăng trưởng rất cao, năm 2014, thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ đạt 157.810 xe, tăng 43% so với năm 2013; năm 2015, thị trường tiêu thụ đạt 244.914 xe, tăng 55% so với năm 2014. 9 tháng năm 2016, thị trường ô tô tiêu thụ đạt 214.398 xe, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng này được đánh giá là tất yếu trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, mức thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng.

Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn về thị trường ô tô 9 tháng qua, đại diện Báo Hải quan cho rằng: Trái với nhận định cho rằng xu thế NK ô tô nguyên chiếc gia tăng, 9 tháng đầu năm lượng ô tô nguyên chiếc NK giảm cả giá trị lẫn số lượng. Nếu như năm 2015, thị trường NK đạt 125.534 xe, tăng 77% so với năm trước; kim ngạch đạt 327,76 tỷ USD, tăng 88,6% thì 9 tháng năm 2016, lượng xe nguyên chiếc NK đạt 77.515 xe, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt 1,75 tỷ USD, giảm 7,3%.

Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm này được cho là có sự chưa thống nhất, rõ ràng của các văn bản quản lý liên quan đến lĩnh vực này.

Chính vì vậy, Ban tổ chức hội thảo đã đưa ra một số vấn đề cần được trao đổi như: Nhận định về tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới; Xu thế sản xuất và NK ô tô trong giai đoạn tới trước sức ép hội nhập; Các chính sách quản lý đã tác động tới thị trường trường ô tô Việt Nam ra sao và cần phải có sự thay đổi, điều chỉnh gì để hỗ trợ thị trường phát triển?

Tham dự buổi tọa đàm, bà Đào Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho rằng, năm 2016 NK ô tô có dấu hiệu suy giảm, một phần là do các doanh nghiệp kinh doanh, NK đang “nghe ngóng” chờ những thay đổi liên quan đến chính sách quản lý của nhà nước. Bà Hương nhấn mạnh: Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng, mở cửa thị trường, trong đó có thị trường ô tô, năm 2018 Việt Nam xóa bỏ thuế NK ô tô tại thị trường ASEAN. Như vậy, nguồn thu từ thuế NK, trong đó có ô tô, sẽ dần dần giảm, điều này cũng phù hợp với xu thế quốc tế.

Thời gian qua cơ quan quản lý đã và đang tập trung nhiều giải pháp để ngăn chặn gian lận thương mại thông qua việc khai báo giá tính thuế. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý thì còn cần sự chung tay phối hợp của các bộ, ngành, và nhất là các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Hương cũng nhấn mạnh khi soạn thảo các chính sách quản lý, cơ quan chức năng phải tính tới nhiều vấn đề, một mặt đảm bảo thực thi các qui định của pháp luật, các cam kết hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, NK, nhưng đồng thời cũng phải tính tới đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng sao cho để có thể mua xe giá rẻ, đảm bảo chất lượng.

Thị trường ô tô Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn

Ông Nguyễn Quang Sơn- Trưởng phòng thuộc Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cũng đồng tình cho rằng, ngoài sự thay đổi chính sách thuế, DN và cơ quan quản lý đều chờ đợi quyết định liên quan đến các quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT. Quan điểm của Tổng cục Hải quan cho rằng nên có các hàng rào kỹ thuật để quản lý hàng hóa chặt chẽ cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời cũng mong muốn cơ quan quản lý chức năng sớm có quyết định tiếp tục thực hiện ra sao để đảm bảo thống nhất trong quản lý.

Phân tích kỹ hơn về số liệu NK ô tô giai đoạn vừa qua, ông Nguyễn Tô An- Trưởng Phòng Quản lý phương tiện cơ giới- Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng: Lượng xe sản xuất hay NK nói chung phụ thuộc vào cung cầu thị trường. Hai năm 2014 và 2015 lượng ô tô tăng mạnh chủ yếu ở mảng xe tải, do nhu cầu tăng khi cơ quan quản lý siết chặt tải trọng xe.

Hiện nhu cầu thị trường đối với mảng xe này đã giảm nên lượng ô tô giảm. Đối với mảng xe du lịch, vào một số thời điểm lượng xe có giảm nhưng không nhiều và mức giảm này đúng là bị ảnh hưởng do chính sách chưa ổn định. Tuy nhiên, ông An cũng nhận định: mức suy giảm xe du lịch thời gian không đáng kể, trong khi tỉ lệ sở hữu xe ô tô tại thị trường Việt Nam còn thấp, nên tiềm năng và nhu cầu tại thị trường Việt Nam còn rất lớn.

Liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ quan Đăng kiểm, ông An cho biết: Thực hiện theo các quy định hiện hành, ô tô đang được NK tương đối dễ dàng. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Thông tư mới để đảm bảo tạo ra hàng rào kỹ thuật phù hợp công tác quản lý, tạo bình đẳng giữa xe NK và xe sản xuất lắp ráp trong nước. Khi Thông tư này có hiệu lực sẽ tác động đến hầu hết các nhà NK, đặc biệt là các nhà NK chính hãng và xe NK từ Trung Quốc. Vì đây thường là các lô hàng được đặt hàng riêng đưa về Việt Nam tiêu thụ, các mẫu xe này chưa được cơ quan có trách nhiệm của nước sản xuất công nhận. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn. Đơn cử như một DN chuyên nghiệp như Toyota Việt Nam cũng phải mất 6 tháng mới chuẩn bị được các yêu cầu này.

Đại diện các doanh nghiệp NK ô tô, ông Trần Tấn Trung- TGĐ Công ty CP Liên Á Quốc tế cho biết: Thị trường nói chung và đặc biệt là mặt hàng ô tô nói riêng có phản ứng rất nhanh trước mỗi sự thay đổi của chính sách. Đơn cử như liên quan đến việc điều chỉnh lệ phí trước bạ của 2 thành phố lớn thời gian trước đã làm thị trường sụt giảm tới 40%. Chính vì thế năm 2016, với sự thay đổi lớn liên quan đến cách tính và mức thuế TTĐB đối với ô tô đã tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh ô tô. Lượng ô tô NK tăng mạnh trước thời điểm chính sách này thay đổi và sau đó là giai đoạn nghe ngóng chờ đợi. Hiện xu hướng xe NK chững lại “nghe ngóng” chứ không giảm đi.

Đại diện các DN NK nhấn mạnh: Các doanh nghiệp muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam nên mong muốn có một chính sách công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến các chính sách thuế, quản lý. Ông Trung cũng khẳng định, trong hoạt động NK kinh doanh ô tô không có sự độc quyền, đây là sự lựa chọn của nhà sản xuất với các tiêu chí rất ngặt nghèo để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam do thị trường dung lượng còn nhỏ, nên hãng tập trung vào một đơn vị để có đủ khả năng đầu tư nghiêm túc đảm bảo thực hiện tốt các chính sách bảo hành, bảo dưỡng, lượng xe bán đủ lớn để bù đắp được chi phí, giảm giá xe bán ra.

Kết luận hội thảo, ông Laurent Genet- đại diện Các nhà nhập khẩu ô tô, đại diện Ban Tổ chức VIMS 2016 một lần nữa khẳng định mong muốn có một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng với các chính sách nhất quán, ổn định.

Nguyễn Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kinh-doanh-va-san-xuat-o-to-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-thuan-loi-va-thach-thuc.aspx