Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng: Cần quy định cụ thể hơn

(ANTĐ) - Ngày 26-11-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, (Liquefied Petroleum gas - viết tắt là LPG). Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và là lĩnh vực có nguy cơ cháy, nổ, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường rất cao. Vì vậy, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ lĩnh vực kinh doanh này là cần thiết.

Nội dung quan trọng nhất của NĐ107 là quy định về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối; Thương nhân phân phối LPG cấp I, các Tổng đại lý, đại lý, cửa hàng kinh doanh LPG. Nhưng đây cũng là điều kiện khó khăn nhất khó có khả năng thực hiện khi theo Nghị định các đối tượng này phải đáp ứng được một số yêu cầu như có cầu cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam hoặc có hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu một năm để tiếp nhận tàu chở LPG; có kho tiếp nhận LPG nhập khẩu với tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3; có tối thiểu 300.000 chai LPG các loại (trừ chai LPG mini). Không những vậy theo đại diện của Sở Công thương thành phố Hà Nội, nghị định cũng không quy định rõ điều khoản quy định sở khi xét cấp phép phải tính điều kiện DN xuất nhập khẩu hay cấp 1, chỉ cấp GCN sang nạp, đủ điều kiện kinh doanh gas bình, nạp gas vào ôtô và trạm nạp bán vào đường ống. Nạp vào chai và bán theo phân phối không có điều khoản xem có thuộc cấp 1 hay xuất nhập khẩu không. Ông Vũ Đức Khánh - tổ công tác Đề án 30 đưa ra ý kiến: Văn bản 107 không rõ, mỗi người hiểu một ý. Do điều kiện và trình độ xây dựng pháp luật của Việt Nam, Nghị định phải có thông tư, nghị định này chưa có thông tư nên có nhiều luồng ý kiến khác nhau cũng dễ hiểu. Cơ bản là chưa hiểu đúng văn bản nên thắc mắc nhiều. Lẽ ra đã được thi hành từ đầu năm 2010, nhưng vì điều kiện quy định trong Nghị định quá khắt khe, các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được ngay nên đã lùi thời hạn đến ngày 1-10-2010. Và chính vì sự quy định chưa rõ ràng của Nghị định, một số doanh nghiệp đang kinh doanh gas đã rất hốt hoảng vì thiếu thực tế của những người quản lý. Yêu cầu về kho vận, cầu cảng, bình gas... đã khiến một số doanh nghiệp ngỡ mình đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Gas Thăng Long cho biết, Công ty đã đầu tư theo quy hoạch tại cụm công nghiệp Lưu Xá, Thường Tín, Hà Nội từ năm 2007. Sức chứa tại kho hiện chỉ đạt khoảng 60-100 m3. Công ty phải mất khoảng hơn 2 năm để phát triển thị trường mà mới chỉ đạt khoảng 100.000 vỏ bình. Theo ông Tiến lý giải, thị trường gas được phân khúc khá rõ ràng, thương hiệu Thăng Long Gas chủ yếu phân bổ ở khu vực này, nếu phát triển nữa thì cũng phải mất thời gian tương ứng để đạt lượng vỏ bình lớn hơn. Ông Lý Trần Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ngọn Lửa Thần cho rằng, “để đáp ứng theo NĐ, chúng tôi phải đầu tư thêm khoảng 100 tỷ đồng cho bồn chứa và vỏ bình gas, nhưng thực tế đầu tư chỉ là để đó vì không đủ lượng người dùng gas đến cỡ đó...”. Đứng trước những thắc mắc của các công ty kinh doanh gas, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Công thương đã có một cuộc gặp gỡ để lý giải với các doanh nghiệp. Ông Hoàng Đình Cường - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, Nghị định 107 góp phần hạn chế được tình trạng hoạt động kinh doanh gas lộn xộn. Nhưng ông Cường cũng cho rằng, Nghị định 107 cũng có những chưa rõ, cần sửa chữa để các doanh nghiệp kinh doanh không hiểu lầm. Ông lý giải, không bắt tất cả các thương nhân phải có đủ 300 nghìn vỏ bình gas và trữ lượng bồn chứa gas 800m3 mà chỉ có thương nhân xuất nhập khẩu trực tiếp và thương nhân phân phối gas cấp 1 mới phải đáp ứng điều kiện này. Các doanh nghiệp đã kinh doanh sau ngày 30-9 vẫn hoạt động bình thường. Nhiều ý kiến khác cho rằng, giá gas trên thị trường bất ổn định là do đầu mối và các đại lý cấp 1. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy vì theo các doanh nghiệp kinh doanh gas, chúng ta chưa có quy hoạch về hệ thống phân phối bán lẻ. Nếu mức giá một bình gas có sự chênh lệch từ 10-15.000 đồng/bình là vì chưa có sự quản lý giá tới hệ thống các cửa hàng. Nhiều nơi phải trả tiền thuê cửa hàng với giá cao thì giá gas sẽ phải tính cao hơn. Vì vậy quản lý kinh doanh gas là một việc làm cần thiết, đảm bảo cuộc sống người dân nhưng cũng cần xem xét các điều kiện xung quanh để có thể quản lý một cách thiết thực nhất. Kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng là một mặt hàng có điều kiện, vì thế các quy định cần phải siết chặt là việc nên làm, nhưng cũng tùy điều kiện thực tế mà đặt ra quy định. Lý giải của Bộ Công thương như vậy nhưng tính đến thời điểm này, vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn thi hành Nghị định này, vì vậy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chờ đợi.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83014&channelid=5