Kinh doanh đa cấp trái phép có thể bị xử lý hình sự

Nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bổ sung một điều về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cả ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Tiềm ẩn nguy cơ

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết quá trình hoàn thiện dự thảo đa số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép. Bổ sung điều này nhằm tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.

Bên cạnh đó một số ý kiến đề nghị không bổ sung tội danh này.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn.

Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung điều 217a - tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Với tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ.

Bộ luật hình sự chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác… Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm.

Tiếp thu ý kiến của đa số đa số, điều 317 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng định lượng cụ thể các trường hợp xử lý hình sự và bổ sung một số hành vi theo góp ý của đại biểu.

Đồng ý với Chính phủ

Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là vấn đề được quan tâm thảo luận trong suốt quá trình hoàn thiện dự thảo luật.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự đối với tất cả các pháp nhân mà không chỉ giới hạn đối với pháp nhân thương mại. Ý kiến khác lại đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do pháp nhân thương mại gây ra, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Việc quy định trách nhiệm hình sự chỉ đối với pháp nhân thương mại đã được Quốc hội khóa 13 thảo luận kỹ, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền và đã lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong điều kiện hiện nay của nước ta và đây cũng là vấn đề rất mới nên Bộ luật Hình sự chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Báo cáo giải trình cũng nêu, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố (điều 300) và Tội rửa tiền (điều 324).

Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì một số công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như Công ước của Liên hợp quốc năm 1988 về chống vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần; Công ước của Liên hợp quốc năm 1999 về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố; Công ước của Liên hợp quốc năm 2000 về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…) yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải hình sự hóa hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền đối với pháp nhân.

Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 2 tội danh này là chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong các công ước nêu trên, có thể dẫn đến những bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế và ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với Chính phủ, trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải bổ sung quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền như trong dự thảo luật tại điều 300 và điều 324.

Nguyễn Lê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/kinh-doanh-da-cap-trai-phep-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-20170524082758547.htm