Kinh dị nơi dùng dùi nung đỏ chọc vào hàm chữa sâu răng

Đau như muốn xổ cả ruột gan ra ngoài nhưng bị nung nóng khoảng ba lần thì cái răng sâu cũng chết đi, không còn hành hạ nữa…

Anh Dương Kim Long bảo lần họp nào xã cũng đốc thúc phải giảm nghèo. Không phải dân bản Dao lười biếng gì, cũng muốn thoát nghèo lắm nhưng ở một nơi không đường, không điện, không nước sạch.

Chuồng làm rồi mà bò chẳng có

Dương Kim Ngân (bản Hin Đăm) rõ ràng là không biết một chữ nào ngoài chuyện ký tên mình thế mà mới đây anh cũng có bằng lái xe máy. Một lần Ngân phi xe xuống thị trấn liền bị công an giữ lại mới hay đó là bằng giả. Bằng bị tịch thu, xe bị nhốt khiến cho anh phải xa vợ, xa con cả chục ngày xuống huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang để phun thuốc trừ cỏ thuê chuộc về.

“Nó bảo cứ đưa 1 triệu rồi nộp chứng minh thư, nộp mấy cái ảnh là cấp bằng cho mình mà”. Ngân hồn nhiên kể. Có hàng trăm trường hợp mua bằng như vậy ở bốn bản vùng cao gồm Hin Đăm, Khe Bủm, Khe Luồng, Bản Tùm (xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn).

 Gia cảnh một hộ nghèo

Gia cảnh một hộ nghèo

Lớp trẻ, thế hệ tương lai của người Dao nơi đây thường chỉ học đến lớp 4, lớp 5, chưa đọc thông, viết thạo đã phải bỏ vì không thể đi bộ 4-5 tiếng vượt núi, băng đèo để tiếp tục theo ngoài xã. Nếu có chí trọ học, mười đứa cũng bảy tám đứa phải bỏ vì thường bị trẻ con người Tày, người Kinh trêu chọc, cô lập. Học cao nhất ở Hin Đăm trước đây có Linh, con cựu trưởng bản Dương Kim Long, xong hết lớp 12, giờ có thêm hai đứa con nhà Dương Kim Lưu học cao đẳng.

Đáng được cử tuyển, được ưu tiên nhưng chúng hoàn toàn học bằng những bao gạo, bao ngô, bằng mồ hôi công sức và hi vọng của bố mẹ để rồi ra trường gần như không có một cơ hội xin việc nào. Đứa lấy chồng biệt xứ, đứa thất nghiệp ở nhà, quẩn quanh bên con gà, con lợn.

Anh Dương Kim Long bảo với tôi rằng chưa bao giờ có một cán bộ xã là người Dao nên những chính sách hỗ trợ, ưu tiên ít khi vượt được mấy chục cái dốc mà leo lên bốn cái bản vùng cao heo hút này. Không đường, không điện, không nước sạch, không trường cấp hai…

"Ông lão" này mới hơn 30 tuổi

Cột điện đã kéo xong cả năm nay, trước đợt bầu cử vừa rồi người ta hứa sẽ đóng điện. Đúng là ước mơ ngàn đời nên dân tình nô nức rủ nhau giờ đây cả bản vẫn phải dùng điện nước, yếu đến mức cái bóng đèn lúc nào cũng đỏ đòng đọc tựa mắt thú trong đêm.

Hai năm trước, cán bộ về bản bảo bốn hộ nghèo là Dương Chống Liềng, Tằng A Nhì, Vòng Sáng Hếnh, Phún A Tài lo mà làm chuồng để chuẩn bị nhận bò hỗ trợ. Chuồng làm xong, ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm, đợi mãi mà chẳng thấy bò đâu. Hỏi cán bộ bảo bò bị dịch hết rồi nên không còn nữa.

Hết vật nuôi lại đến cây trồng. Cách đây mấy năm, trên có hỗ trợ dân bản giống mây nhưng trồng dăm năm không thấy cây dài ra mà chỉ thấy gai mỗi ngày một lớn, chọc vào da, đâm vào thịt, muốn phát đi trồng cây khác cũng rất khó. Năm nay, trên hỗ trợ mỗi hộ dân 34 cây sa nhân tím nhưng lại cho vào tháng nóng nhất trong năm: tháng sáu nên mười phần chưa chắc đã sống nổi một hai.

Anh Dương Kim Long bảo lần họp nào xã cũng đốc thúc phải giảm nghèo. Không phải dân bản Dao lười biếng gì, cũng muốn thoát nghèo lắm nhưng ở một nơi không đường, không điện, không nước sạch, mua một thứ gì vào cũng giá gấp đôi, gấp ba, bán một thứ gì ra cũng rẻ bằng phân nửa thì giàu làm sao được? Trên bốn mươi hộ dân Hin Đăm có tới bảy tám hộ còn phải chịu cảnh đói giáp hạt. Nhiều người chỉ biết ăn sắn ngô, cháo nấu quanh năm, chẳng có tiền, chẳng có quần áo mới, chẳng có dép.

Trẻ em nơi đây vẫn phải chịu cảnh đói

Lần nào đoàn cán bộ thôn, xã đến vận động dân thoát nghèo, rời nhà một quãng xa rồi mà tiếng chửi còn nhùng nhẵng bám theo, dai y như là đỉa đói. Không vận động được ai, cán bộ đành phải xung phong. Trưởng bản, Bí thư bản, Công an viên thành hộ cận nghèo hết.

Như nhà anh Dương Kim Long thu nhập trông vào vườn thông nhưng năm được nhựa, năm không. Phụ cấp trưởng bản của anh chỉ 1,15 triệu/tháng, không đủ tiền xăng xe, điện thoại. Nhà cũ bằng đất sắp sập, tối ngủ mà lợn còn lách vào nằm ngay dưới gầm giường nên anh gắng xây một cái mới, mất trên 200 triệu thì phải vay tới 170 triệu.

Làm cái chức trưởng bản suốt ngày chỉ để nghe… dân chửi vì cái gì cũng thiếu thốn từ điện, đường, trường, trạm đến các chính sách hỗ trợ. Tiếng chửi đầy tai. Tiếng chửi chật óc. Tiếng chửi cứ u u như một đàn ong bò vẽ ở trong đầu khiến Dương Kim Long phát chán, xin nghỉ cả chức trưởng bản.

Cách đây ngót chục năm ông Hoàng Tắc Sòi cũng bị vận động thoát nghèo như thế bằng những lời hứa còn ngọt hơn cả mật ong rừng rằng ngoài cho 5 triệu trong chương trình xóa nhà dột nát lại còn cho thêm 5 triệu nữa nhưng ông vẫn lắc đầu. Thế là họ “đè ngửa” ông ra để xóa nghèo. Xóa được mấy năm đến 2009 thấy không được gì như đã hứa, khó khăn hoàn khó khăn người con dâu của ông là Lý Thị Lan lại ra xã xin cho ông vào hộ nghèo.

Ông bà Sòi năm nay đã ngoài 80 tuổi, sống nhờ vào 2 sào ruộng, trời mưa thì được cấy, không mưa lại bỏ hoang. Thấy già quá không làm được, ốm đau không ai chăm, nhà cửa lại sắp sập nên ông mới dỡ ra, lấy ngói cho con trai út lợp nhà mới, rồi chuyển về ở cùng. Tôi hỏi ông qua người phiên dịch là chị Lan rằng trở lại hộ nghèo được cái gì? Ông thống kê: Năm 2014 được 5 bao phân lân, 2015 được 2 bao phân đạm, được cái thẻ bảo hiểm y tế, được hơn 40.000 tiền dầu, mỗi Tết được hơn 10 gói mì tôm cùng mấy gói kẹo.

Bản thân nhà chị Lan, chồng bị u tay, vợ bị bệnh tim kèm tràn dịch màng phổi. Mấy năm liền không làm ăn gì được mấy nên chị phải bán chó, bán mèo, bán lợn đi để trả nợ nhưng vẫn còn nợ đến hơn 30 triệu đồng. Thế mà cuộc họp người ta cũng ép chị phải thoát nghèo. Cán bộ bảo không tự xóa nghèo được thì mấy hôm sau huyện lên xóa cho.

Nung dùi sắt dí vào lỗ sâu răng

Đã ngót mười năm kể từ lần đầu tiên tôi cuốc bộ chục cây số vượt dốc vào Hin Đăm đến giờ con đường vẫn vậy, chỉ toàn đất đá. Đường ấy bình thường có thể tạm đi xe máy được nhưng trời mưa thì lầy lội chẳng khác gì ruộng cày.

Cơn mưa rừng biến con đường trở thành nỗi ác mộng giữ tôi lại Hin Đăm thêm hai ngày nữa so với dự định. Mưa rơi tong tong trên giọt tranh. Mưa rơi lộp bộp trên tàu chuối. Mưa rơi rào rào trên lá rừng. Mưa như muốn xóa nhòa, vùi một miền đất vào trong lãng quên.

Nuôi lợn trả nợ thịt cưới

Tôi đội mưa đến nhà thăm Triệu Chăn Thuật. Trước anh sửa xe ở ngoài xã, từ hồi bị ung thư ốm phải nằm bệt ở nhà. Dân bản thì thào bảo thằng Thuật bị kẻ xấu thả ma rồi, phải giết người thả ma ra mới khỏe được. Hôm tôi đến anh đã không thể đi lại được nữa.

Cơn đau giai đoạn cuối như hàng ngàn con kiến lửa đang cắn xé ruột gan, những tiếng động dù nhỏ nhất cũng khiến cho anh co rúm người lại. Vừa gõ cửa, xưng danh tôi đã bị anh chửi mắng không thương tiếc. Dường như hễ nghe thấy ai xưng là cán bộ thì Thuật đều sửng cồ lên như thế cả.

Không chỉ đói bụng, dân bản Dao còn đói thông tin, đói kiến thức. Cựu trưởng bản Dương Kim Long được cho là người nhanh nhẹn, có trình độ nhất ở bốn bản vùng cao này. Anh đã từng dám bán trâu đi vào tận miền Nam để học hỏi cách làm ăn kinh tế nhưng cũng không thành.

Hiểu biết đến như anh nhưng khi đau bụng cũng chỉ hút giác hơi cho qua cơn, khi đau răng thì lấy dùi sắt nung đỏ trong bếp rồi đâm vào lỗ sâu. Đau trào nước mắt. Đau như muốn xổ cả ruột gan ra ngoài nhưng bị nung nóng khoảng ba lần thì cái răng sâu cũng chết đi, không còn hành hạ nữa…

Nguồn: Dương Đình Tường (Nông nghiệp VN)

Nguồn VTC: http://vtc.vn/kinh-di-noi-dung-dui-nung-do-choc-vao-ham-chua-sau-rang-d269350.html