Kiều bào với quê hương: Kỳ vọng tố chất Việt

Là người khá nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng Tổng giám đốc Công ty phần mềm Global Cybersoft Ngô Đức Chí (Việt kiều Bỉ) lại rất kiệm lời khi nói về mình.

Ảnh: Trung Hiếu

Ông Chí sinh năm 1946, người Biên Hòa (Đồng Nai). Năm 1966, ông được học bổng du học ở Bỉ về ngành kỹ sư vật lý lượng tử. Tốt nghiệp đại học, ông Chí đầu quân cho công ty máy tính khá nổi tiếng trong lĩnh vực phần mềm.

Do công ty làm một số dự án vệ tinh không gian, cần thuê bên ngoài gia công phần mềm, nên ông Chí được giao nhiệm vụ tìm kiếm nguồn lực gia công. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn lực ở Nga, Hungary… không đem lại thành công như mong đợi.

Trở về

Năm 1998, ông Chí về VN với nhiệm vụ tìm kiếm nhân sự cho công ty. Sau đó ông đã đưa 10 người qua Bỉ đào tạo, kết quả những người này làm việc rất tốt. Từ đó, ông Chí được cử về VN thành lập chi nhánh cho công ty ở Bỉ. Sau khi điều hành công ty được 2 năm, tháng 9.2000, ông cùng với một số người bạn Việt kiều thành lập Công ty Global Cybersoft (GC) có trụ sở chính ở Mỹ và công ty con ở VN.

Với đề án xây dựng chính quyền thông minh mà TP.HCM đang thúc đẩy, GC sắp tới tham gia áp dụng công nghệ vào hệ thống quản lý, điều phối xe buýt tránh tình trạng kẹt xe, giúp người dân di chuyển bằng xe buýt hiệu quả với thời gian nhanh nhất.

Ông Ngô Đức Chí

“Việc đặt trụ sở chính ở Mỹ là bởi luật VN lúc đó chưa hoàn thiện khiến một số đối tác lo ngại khi hợp tác với công ty có trụ sở ở VN. Hiện trụ sở ở Mỹ chỉ giữ đội ngũ tiếp thị còn mọi công việc đều làm ở VN”, ông Chí hào hứng chỉ tay về phía các phòng ban - nơi hàng ngàn kỹ sư trẻ của GC - đang miệt mài làm việc.

Từ văn phòng chật hẹp cho 20 người trên đường Trương Định (Q.3), đến nay GC có khối văn phòng quy mô rất lớn ở Công viên phầm mềm Quang Trung với hơn 1.200 nhân viên. Thế mạnh của công ty là sản xuất chíp bán dẫn, hệ thống quản lý xe điện ngầm, dụng cụ y tế, nghiên cứu công nghệ mới…

Ông Chí lý giải việc thành lập công ty riêng bởi bản thân luôn tin rằng người Việt có nội lực, tố chất trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) và ông muốn biến tố chất, tài năng đó thành nội lực cho đất nước.

Rồi ông kể hợp đồng đầu tiên của GC giá khoảng 200.000 USD ký với Công ty IBM ở Nhật Bản. “Ký với IBM đã khó rồi mà làm với IBM bên Nhật thì tiêu chí về chất lượng cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, đội ngũ người Việt của chúng tôi làm rất thành công, được đối tác IBM tin tưởng”, ông Chí kể.

Sau dự án đó, GC tiếp tục ký kết dự án quy mô hơn với một đối tác nổi tiếng. Công ty thuê một quản lý người Mỹ để cùng với đội ngũ ở VN chạy dự án. Tuy nhiên, trước thời điểm 1 tháng phải giao hàng, phía đối tác tỏ vẻ không hài lòng với “sản phẩm” đặt hàng. Nếu hủy đơn hàng, ngoài số tiền phải bỏ ra để khách hàng thuê bên khác thực hiện thì GC còn phải chịu án phạt với số tiền rất lớn.

“Trước tình thế nan giải như vậy, một thành viên người Việt của công ty nhận làm. Trong vòng một tháng, người này đã chỉ đạo các thành viên làm ngày làm đêm và kết quả đáp ứng được yêu cầu đối tác đưa ra. Điều này càng khiến tôi có niềm tin là VN chưa phát huy được hết tiềm năng về CNTT”, ông Chí tâm sự.

Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp

Thừa nhận người Việt có nhiều tố chất, nhưng lĩnh vực CNTT trong nước chưa phát triển như mong đợi, ông Chí nhận xét một phần do đào tạo chưa theo kịp. Các doanh nghiệp CNTT luôn cần nhân sự nhưng mỗi năm nguồn cung cấp đáp ứng không đủ. Do đó, hằng năm GC luôn chủ động tìm kiếm sinh viên giỏi đưa về đào tạo, phát triển.

Cách đây 3 năm, thông qua một công ty ở Singapore, GC trở thành một thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản). Sự thay đổi này được coi là rất quan trọng về chiến lược, bởi Hitachi đặt ra nhiều định hướng mới sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết thực của thế giới mà GC là một thành viên.

Điển hình như gần đây GC đang xây dựng sản phẩm nông nghiệp thông minh. Chỉ cần qua một chiếc điện thoại thông minh, người nông dân có thể “ra lệnh” tưới nước, bón phân, điều chỉnh ánh sáng, thậm chí bắt bệnh đối với cây trồng. Hệ thống này còn giúp người nông dân có thể kết nối với nhau và trao đổi, chia sẻ với chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Hiện công ty đang kết nối với một số trang trại ở Lâm Đồng, một số tỉnh phía bắc để chạy thử, từ đó xây dựng dữ liệu. Cùng một công nghệ, nếu mua của Israel mất 1 - 2 tỉ đồng còn của chúng tôi tốn chừng 500 triệu đồng cho một diện tích 1.000 m 2. Sắp tới đây chúng tôi sẽ làm một nhà mẫu ở Công viên phần mềm Quang Trung”, ông Chí nói.

Trung Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/kieu-bao-voi-que-huong-ky-vong-to-chat-viet-763080.html