Kiệt tác sân khấu thế giới trở lại 'thánh đường nghệ thuật' ở Hà Nội

“Vòng phấn Kavkaz,” “Lão hà tiện” và nhiều vở diễn ấn tượng khác sẽ trở lại với khán giả Thủ đô trong tháng Tám tại không gian Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Vòng phấn Kavkaz” - một trong những kiệt tác sân khấu thế giới của nhà soạn kịch tài hoa người Đức Bertolt Brecht sẽ mở màn cho chuyên đề Những vở kịch còn mãi với thời gian” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) trong tháng Tám.

Theo đó, “Vòng phấn Kavkaz” sẽ được công diễn vào tối 5/8. Đó là về cô hầu gái Grusche Vachnadze nhỏ bé có tấm lòng nhân hậu và sự hy sinh lớn lao. Giữa lúc chiến tranh loạn lạc, tổng trấn phu nhân đẩy cậu con trai mình vào tay cô hầu Grusche Vachnadze rồi biến mất cùng tiền bạc và những phục trang quý giá.

Grusche Vachnadze đã hy sinh mối tình với người lính Simon Chachava để nuôi đứa bé lớn lên trong vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Bỗng một ngày, tổng trấn phu nhân xuất hiện và đòi lại đứa con vì cậu bé sẽ được thừa kế một gia tài lớn. Quan tòa Azdak sẽ phải đưa phán quyết cho câu chuyện này.

Bản dựng “Vòng phấn Kavkaz” này do nghệ sỹ người Đức Dominik Guenther đạo diễn, các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi Trẻ (diễn viên Nguyệt Hằng, Bá Anh…) biểu diễn.

Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh cho biết, các tác phẩm sân khấu trước đây của Việt Nam thường được dàn dựng và trình diễn theo trường phái hiện thực tâm lý (diễn viên hóa thân vào số phận, hoàn cảnh của các nhân vật, từ đó kéo khán giả dõi theo vở diễn).

Tuy nhiên, với “Vòng phấn Kavkaz,” khán giả sẽ được tiếp cận với lối dàn dựng khác. Kịch của Bertolt Brecht được thể hiện theo hướng “sân khấu gián cách.” Các diễn viên sử dụng nhiều ngôn ngữ hình thể, lý trí để nhắc khán giả biết rằng họ đang theo dõi vở diễn; đặt ra những câu hỏi cho khán giả từ các tình huống kịch để họ cùng đào sâu suy ngẫm, thay cho việc theo dõi diễn biến của vở diễn một cách thụ động.

Một cảnh trong vở kịch "Vòng phấn Kavkaz." (Ảnh: NHTT)

Sau “Vòng phấn Kavkaz,” nhiều vở kịch nổi tiếng khác của các tác giả Việt Nam (Lưu Quang Vũ, Lê Chí Trung..) và thế giới (Molière) sẽ tiếp tục đến với khán giả Thủ đô: (6/8), “Công lý không gục ngã” (7/8), “Cát bụi” (8/8), “Điện thoại di động” (9/8), “Bỉ vỏ” (10/8), “Kiều” (11, 12/8), (13/8), “Bão của hoàng hôn” (17/8), “Quyết đấu giữa sương mù” (18/8), “Dưới cát là nước” (20/8).

Vở ballet “Mối tình thành cổ” (24/8) sẽ khép lại chuyên đề Những vở kịch còn mãi với thời gian.”

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình đưa những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao tới biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội, theo chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2017.

Từ tháng 8/2016 tới nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện thực hóa chủ trương đưa các tác phẩm chất lượng cao vào biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các chương trình biểu diễn không chỉ có các loại hình nghệ thuật hàn lâm (nhạc giao hưởng, vũ kịch…) mà còn có các loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam (tuồng, chèo, cải lương…).

Hình ảnh trong vở kịch "Ai là thủ phạm" của cố tác giả Lưu Quang Vũ. (Ảnh: NHTT)

Hoạt động này còn nhằm tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật (bao gồm cả các nhà hát công lập và đơn vị xã hội hóa), các nghệ sỹ thể hiện tài năng, sự sáng tạo, và đến gần hơn với công chúng tại không gian Nhà hát Lớn - nơi được coi là “thánh đường nghệ thuật” ở Thủ đô./.

Nguồn VietnamPlus: http://vietnamplus.vn/kiet-tac-san-khau-the-gioi-tro-lai-thanh-duong-nghe-thuat-o-ha-noi/457939.vnp