Kiệt quệ vì chữa bệnh cho con

KTĐT - Mọi chuyện bắt đầu từ khi chị sinh bé thứ 2. Bé bú được, ngủ được thế nhưng chị thấy con cứ ngày một xanh xao, vàng vọt. Sang tháng thứ 4 thì suốt ngày ngủ li bì, gọi không dậy được, sợ con có chuyện chẳng lành, chị vội đưa đi khám.

Mong muốn thoát cảnh bần hàn, vợ chồng chị Cúc đã vay tiền mua trâu. Thế nhưng trâu thì chết rét, con gái thì bệnh trọng. Nhà đã nghèo nay lại càng trở nên xơ xác. Vì không còn gì để bán, chị đành ôm con nương nhờ cửa chùa.

Đến chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) những ngày này, khi hỏi chị Cúc có hai con bị bệnh thiếu máu có lẽ không ai là không biết. Chị là Lý Thu Cúc, 24 tuổi, người dân tộc Dao, ở thôn Tà San, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Lưu lại ở chùa, chị được cho ăn, cho ở miễn phí và trên hết là ở đây chị còn có hy vọng dù là mong manh để cứu con.

Lấy chồng 7 năm, chị Cúc sinh được 2 con, cậu con trai đầu nay đã lên 4 còn cô con gái út thì chưa tròn 2 tuổi. Thấu hiểu hơn ai hết cảnh nghèo vốn đeo bám cuộc sống của người dân tộc, vợ chồng chị đã vay ngân hàng 30 triệu đồng cố tậu lấy đôi trâu. Thế nhưng dường như số phận nghiệt ngã với hai vợ chồng trẻ ấy khi tiền sinh lời từ đôi trâu chưa thấy đâu, thì ông trời đã bắt tội cả hai đứa con đều mắc bệnh hiểm nghèo.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi chị sinh bé thứ 2. Bé bú được, ngủ được thế nhưng chị thấy con cứ ngày một xanh xao, vàng vọt. Sang tháng thứ 4 thì suốt ngày ngủ li bì, gọi không dậy được, sợ con có chuyện chẳng lành, chị vội đưa đi khám.

“Bé bị thiếu máu nặng, lại thuộc nhóm máu hiếm, ở địa phương không có truyền, nên bác sĩ cho về nhà để gia đình chuẩn bị tiền cho ra Hà Nội. Bác sĩ bảo sao thì mình làm vậy, nhưng trong bụng rối lắm vì nhà làm gì có gì. Tài sản quý giá nhất là đôi trâu mua nhờ tiền vay ngân hàng thì một con đã chết rét, con còn lại bán đi chỉ được 9 triệu đồng", chị Cúc nói.

Cũng từ đó, bắt đầu hành trình gian nan của cả mấy mẹ con chị. Từ tháng 9 năm ngoái, hai mẹ con chị hết ở Bệnh viện Nhi Trung ương, rồi lại chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Gần đây, cậu con trai đầu của chị đi xét nghiệm cũng bị bệnh thiếu máu nhưng nhẹ hơn, không phải truyền máu, nhưng cũng phải uống thuốc một đợt cũng 2-3 triệu.

“Cháu mắc bệnh Thalassemia, tháng nào cũng phải truyền máu, uống thuốc đúng theo hẹn không thì chỉ có chết. Một đứa mắc bệnh nhà đã lao đao, khốn đốn, giờ lại thêm anh cháu nữa gia cảnh càng túng quẫn hơn dù có bảo hiểm y tế”, chị Cúc buồn bã chia sẻ.

Theo các chuyên gia, Thalassemia (thiếu máu vùng biển hay còn gọi là thiếu máu huyết tán) là một bệnh có tính chất gia đình, di truyền lặn, khởi phát âm thầm, từ từ. Đến một lúc nào đó, người bệnh bị thiếu máu, da nhợt nhạt, xanh xao, mỗi đợt tan máu thì sốt, da vàng, lách to thêm…

Ra Hà Nội lạ nước lạ cái, cái gì cũng phải tiền, trăm thứ đổ lên đầu: tiền ăn, đi lại, thuốc men… Bữa trưa chị Cúc cũng chỉ dám mua một suất cơm 25.000 đồng, hai mẹ con ăn chung. Con ăn hết bao nhiêu thì chị ăn phần còn lại, đói cũng đành chịu vì tiền chỉ có bằng đấy.

"Đợt này ra chữa bệnh, kinh tế gia đình thực sự kiệt quệ. Ở viện gần 1 tuần, cả gia tài của 3 mẹ con chỉ còn hơn 400.000 đồng, vừa tròn tiền mua vé tàu về. Thế nhưng ra đến ga thì hết vé, mà mua vé chợ đen thì phải 600.000. Không có tiền, mấy mẹ con đành ngồi ở ga mà không biết phải làm thế nào, ở lại thì không biết ở đâu và về thì không có tiền”, chị Cúc kể lại.

Thấy cảnh ba mẹ con lếch thếch ôm nhau ngồi ở ga, nhiều người thương tình mách đường cho chị đến chùa Bồ Đề xin ở nhờ. Nhưng cũng chỉ là tạm bợ, còn tiền chữa bệnh cho con thì chị chưa biết lấy chỗ nào trong khi cuối tháng 3 này là đến hẹn khám lại với bác sĩ.

“Về nhà thì cũng chỉ có chết, ở đây thì chưa biết thế nào, hôm qua chồng mới xin được đi làm phụ xây ở Thanh Xuân. Giờ thực sự là chúng tôi không còn chỗ nào để vay mượn, nhà hai bên nội ngoại đều đông con lại chỉ làm ruộng nên cũng không có tiền. Thương con lắm nhưng hết cách rồi, không muốn nhìn con phải chết, nhưng không biết làm cách nào khác”, chị Cúc nói mà nước mắt lưng tròn.

Các chuyên gia cho biết phương pháp điều trị bệnh này cơ bản vẫn là truyền máu và thải sắt. Bệnh nhân thể nặng nếu không được truyền máu định kỳ sẽ tử vong trước 20 tuổi. Nếu đảm bảo tốt hai biện pháp này, người bệnh có thể phát triển, sống, học tập và làm việc một cách bình thường. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân ở nước ta không thực hiện được các yếu tố đó vì lý do kinh tế.

Độc giả quan tâm xin liên hệ với chị Lý Thu Cúc, chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội, số điện thoại 01677649609, hoặc số tài khoản 15010000324068, chủ tài khoản Lý Thu Cúc, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bắc Hà Nội.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/325225/kiet-que-vi-chua-benh-cho-con.aspx