Kiếp này, con cái sinh ra là 'phước' nhưng cũng chính là 'nợ' của cha mẹ

Phật có dạy rằng, con người trên thế giới này, phải có duyên nợ mới thành máu mủ, tình thân. Con cái đến với cha mẹ cũng vậy, dù ít dù nhiều đó cũng chính là duyên nghiệp đã định sẵn...

Vợ chồng kết hôn, mong muốn lớn nhất chính là sinh con đẻ cái. Giữa bố mẹ, con cái không phải ngẫu nhiên mà đến, cũng không phải kiếp này mới gặp mà phải tu từ nhiều kiếp trước.

Mối nhân duyên giữa con cái và cha mẹ trong kiếp này là do 4 loại nghiệp duyên mang tới: một là đến báo ơn, hai là để báo oán, ba là đến trả nợ và bốn là đến đòi nợ. Ơn oán nghiệp lực mạnh hay yếu còn phụ thuộc cả những việc làm tốt xấu của cha mẹ kiếp trước và kiếp này.

Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Nói chung con cái tưởng là phước nhưng kỳ thực cũng chính là cái "nợ".

4 loại duyên nghiệp đưa con cái đến với bố mẹ

Loại nghiệp duyên thứ nhất – Báo ân

Kiếp trước, cha mẹ có ân với con, kiếp này con đầu thai để đền ơn cho cha mẹ. Ân càng lớn, con ở với cha mẹ càng lâu, trả hết ân, con cái sẽ ra đi.

Loại nghiệp duyên thứ hai – Báo oán

Kiếp trước, cha mẹ có kết hận với người nào đó nên họ đầu thai vào làm con của cha mẹ kiếp này để báo oán. Thế mới có trường hợp, con cái ngỗ ngược, phá gia chi tử. Đừng vội trách con, hãy trách kiếp trước cha mẹ từng nợ chúng.

Loại nghiệp duyên thứ ba – Đòi nợ

Kiếp trước, cha mẹ thiếu nợ của họ, kiếp này họ đến làm con để đòi nợ. Nếu thiếu nợ ít, nuôi hai, ba năm, con bèn chết. Nếu thiếu nợ nhiều, đại khái là nuôi đến khi khôn lớn lại chết mất. Nợ đã đòi xong, con bèn ra đi.

Loại nghiệp duyên thứ tư – Trả nợ

Kiếp trước, họ nợ cha mẹ, kiếp này họ đầu thai thành con để trả nợ. Con sẽ nỗ lực làm ăn để nuôi nấng cha mẹ, bao giờ hết nợ, con mới dứt áo ra đi. Vậy nên, đừng vội trách con đối đãi nhiều hay ít, bởi lẽ nó còn phụ thuộc vào kiếp trước con nợ cha mẹ mức nào.

Đức Phật dạy rõ chân tướng sự thật, người một nhà là do bốn loại quan hệ ấy mà tụ hợp. Gia đình là như thế, mà người trong một họ cũng là như thế. Ân, oán, nợ nần nhiều, bèn biến thành cha con, anh em một nhà hay ân oán, nợ nần ít hơn cũng có thể biến thành thân thích, bầu bạn. Do đó, giữa người và người với nhau đều có duyên phận.

Sinh con ra khó nhọc, nuôi nấng con còn khó nhọc hơn. Làm bậc cha mẹ, hãy nên tích đức cho con cái, đừng vì tham lam mà làm điều ác để lấy nhà cao cửa rộng cho con; cũng đừng vì ích kỷ, thù hằn cá nhân mà gây ác nghiệp, có thể kiếp sau quả báo mới tới, nhưng cũng có thể kiếp này đã tới ngay trong đời con.

Nếu sinh con ra không được như ý muốn thì cũng đừng buồn giận, chỉ là ta đang phải trả nghiệp cho kiếp trước hay cho những gì ta làm trong quá khứ mà thôi.

Việc của ta để cuộc sống tiếp tục tốt đẹp hơn là hãy yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng con nên người, dạy cho chúng những điều hay, lẽ phải để cuộc sống của chính bạn, con cái bạn được an yên và tích đức cho kiếp sau.

Tóm lại, dù là duyên nghiệp như nào chăng nữa thì trong kiếp này, cha mẹ hãy cố gắng để bản thân luôn là tấm gương sáng cho con cái về tu dưỡng đạo đức, hơn nữa, cha mẹ cũng phải có trách nhiệm giáo huấn con cái về phương diện này. Tu nhân tích đức, chỉ có như vậy mới mong sớm trả hết mối nghiệp duyên này để cuộc sống chúng ta ở những ngày cuối đời được an yên.

Lục Anh (t/h)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/kiep-nay-con-cai-sinh-ra-la-phuoc-nhung-cung-chinh-la-no-cua-cha-me-92487/