Kiêng cữ sao cho đúng

Những quan niệm kiêng cữ thiếu khoa học trong vấn đề vệ sinh cá nhân khi đang có bệnh hầu hết đều lợi bất cập hại

Từ khi những vết mẩn ngứa dị ứng nổi trên đùi và lưng, chị P.T.Tr (35 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) đã không dám tắm suốt 5 ngày. Chị luôn chọn những bộ đồ dài, kín đáo vì nghe nhiều người bảo bị mẩn ngứa thì phải tránh gió.

Càng tránh càng rước bệnh

Thấy những vết mẩn ngứa nặng thêm, ngứa ngáy không chịu nổi, chị Tr. mới đến Bệnh viện (BV) Da liễu TP HCM thăm khám. Sau khi bác sĩ (BS) cho thuốc uống, thuốc bôi và một loại xà phòng diệt khuẩn, dặn dò phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thông thoáng, lúc này chị mới hiểu.

Phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thì ra, không phải là kiêng cữ chuyện tắm rửa mà trái lại, phải tắm thường xuyên, chỉ là tránh tiếp xúc những loại xà phòng, mỹ phẩm nhiều hóa chất, dễ gây dị ứng. Việc chị Tr. thiếu chăm lo vệ sinh cơ thể trong mấy ngày qua được BS cho là một trong những nguyên nhân khiến các vết viêm da tiếp xúc trở nặng.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), thường dặn dò bệnh nhân cũng như lưu ý trong các sinh hoạt chuyên đề rằng không được kiêng tắm cho trẻ bị thủy đậu - một trong những căn bệnh trẻ em thường mắc trong mùa này. Trẻ mắc thủy đậu cần được giữ cho cơ thể sạch sẽ, tắm hằng ngày bằng xà phòng thông thường, chỉ cần lưu ý tránh làm vỡ các bóng nước (nốt rạ). Nếu không vệ sinh cơ thể, các bóng nước này có nguy cơ nhiễm trùng làm bệnh nặng thêm và để lại sẹo.

Tại những BV phụ sản, nhân viên y tế thường phải nhắc nhở rất nhiều sản phụ… “vui lòng vệ sinh cơ thể!”. Tin vào một số quan niệm cũ nhưng tác động tiêu cực, một số sản phụ kiêng tắm gội, đánh răng trong nhiều ngày, thậm chí cả tháng, dẫn đến cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, nhiễm trùng da, nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng sơ sinh đối với cháu bé, hậu quả khôn lường.

Việc cần làm thì nên làm

BS Trương Hữu Khanh cho rằng với bệnh nhân, có những thứ phải tránh và những thứ nên làm mà người chăm sóc cần hiểu rõ.

Ví dụ, một đứa bé đang sốt cao mà dội ngay nước lạnh để tắm thì rất nguy hiểm vì gây ra hiện tượng co mạch. Cần tắm nhưng hãy tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió. Nếu bé quá khó chịu vì sốt cao, có thể vệ sinh cơ thể bằng cách lau mình. Trong một số bệnh có thương tổn ở da như thủy đậu hay tay chân miệng, việc vệ sinh cơ thể hằng ngày là rất cần thiết để tránh nhiễm trùng.

Theo BS Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), sản phụ nếu vệ sinh cơ thể đúng cách sẽ phòng tránh được nhiều nguy cơ. Cuộc sinh nở khiến sản phụ đổ rất nhiều mồ hôi. Sau 48-72 giờ, sữa về, cho con bú… khiến người mẹ càng đổ mồ hôi. Trong môi trường nóng bức như ở TP HCM, việc phải mang một cơ thể không được tắm gội nhiều ngày khiến sản phụ hết sức khó chịu, trong khi sau sinh lại là quãng thời gian họ cần được thoải mái để hồi phục. Nguy hiểm hơn, việc da kề da với đứa con mới sinh sẽ khiến bé bị lây nhiễm vi khuẩn, mầm bệnh từ mẹ.

Sản phụ thật ra không phải kiêng tắm mà chỉ cần tránh tắm bằng nước lạnh, tránh ngâm mình lâu trong nước. Có 3 thứ cần lưu ý: sức khỏe hiện tại, nhiệt độ của nước và môi trường xung quanh. Nếu sản phụ còn cảm thấy đau đớn, khó di chuyển trong vài ngày sau sinh thì người nhà nên giúp đỡ họ. Hãy vệ sinh cơ thể trong phòng tắm kín gió, dùng nước ấm, tắm nhanh gọn và lau mình, lau tóc cho khô trước khi mặc quần áo. Khi cho con bú, nhất thiết phải nhớ vệ sinh bầu vú thường xuyên để tránh nhiễm trùng cho bé.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/kieng-cu-sao-cho-dung-20170330214953105.htm