Kiến trúc sư nói gì về biệt thự cổ nơi diễn viên Chiều Xuân kêu cứu?

Không chỉ diễn viên Chiều Xuân kêu cứu, các hộ sống tại 65A Nguyễn Thái Học, (Đống Đa, Hà Nội) đều lo sợ căn nhà cổ có nguy cơ sập khi kiến trúc ban đầu bị phá vỡ. Kể từ khi xảy ra vụ sập ngôi biệt thự cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo các hộ ở đây càng thêm lo lắng.

Diễn viên Chiều Xuân kêu cứu

Căn nhà của vợ chồng nghệ sĩ Chiều Xuân - Đỗ Hồng Quân nằm trên phố sầm uất Nguyễn Thái Học nhưng lúc nào chị cũng nơm nớp lo sập.

Trưa 23/10, một vụ cháy đã xảy ra tại căn biệt thự cổ gần 100 tuổi số 65 Nguyễn Thái Học khiến nhiều người sinh sống tại đây sợ hãi. Tuy vụ cháy đã nhanh chóng được dập tắt nhưng căn nhà có những dấu hiệu không an toàn cho người dân đang sinh sống.

Biệt thự 65 Nguyễn Thái Học được nhiều người gọi với cái tên “nhà danh nhân”. Ngôi biệt thự cổ 3 tầng này là nơi sinh sống của những tên tuổi làm rạng danh cho nền văn hóa Việt Nam.

Trước đây, cư dân của nhà 65 Nguyễn Thái Học là các họa sỹ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, nhà điêu khắc Song Văn, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Văn Lý, nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... Ngoài ra còn có những người từng đến rồi đi như nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, họa sỹ Dương Bích Liên, nhà văn Nguyễn Văn Bổng...

Biệt thự 65 Nguyễn Thái Học. Ảnh: Ngọc Thi

Theo quan sát của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, căn biệt thự đã xuống cấp. Tường nhà bong tróc, cầu thang bằng gỗ cũ kỹ. Lối vào tòa nhà bao bọc bởi nhiều bức tranh.Toàn bộ không gian tầng 1 là cửa hàng tranh.

Cửa hàng tranh là diện tích của 3 phòng nhập lại.Tất cả các bức tường ngăn cách đã được phá vỡ. Hơn nữa, để tiện cho việc trưng bày, nền nhà được đào sâu xuống khoảng 40cm so với hiện trạng cũ.

Nhà gồm 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng riêng biệt, được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp. Sau khi giải phóng Thủ Đô, biệt thự trở thành cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau là chỗ ở của các anh em văn nghệ sỹ.

Theo thời gian, tòa biệt thự Pháp này giờ đây mang đầy những vết lở loét. Toàn bộ không gian tầng một là những kiốt bán tranh, bán máy khâu, sửa xe máy, làm nhốn nháo khung cảnh mặt tiền.

Lối vào biệt thử cổ bao bọc bởi tranh. Ảnh: Ngọc Thi

Cổng ra vào vốn làm theo kiến trúc Nhật Bản với ngói ống, tường hoa, đường tiện chạy quanh và hai cánh vòm lớn bằng gỗ lim. Sự biến tướng của khu biệt thự cổ khiến những người sống nơi đây không khỏi xót xa.

Bà Nguyễn Thị Hằng, cư dân sống ở tầng 2 khu biệt thự cho hay, vị trí bể phốt của nhà bà cũng bị cửa hàng tranh chiếm dụng đặt đồ đạc lên đó. Đã nhiều lần gia đình bà nhắc nhở nhưng họ không dọn đi.

Chị cũng cho biết, từ ngày cửa hàng tranh thay đổi kết cấu của tòa nhà, bên phía khu bếp nhà của gia đình chị nền nhà có biểu hiện nứt, khi đặt chân lên thấy rung rung.

Vị trí bể phốt của chị Hằng đặt rất nhiều đồ đạc. Ảnh: Ngọc Thi

Bà Hoàng Thị Yến, 80 tuổi (giúp việc nhà diễn viên Chiều Xuân ) thông tin thêm: “Trước đây, có một thời gian lối đi ngổn ngang đồ đạc, dường như không có lối đi lại nên các hộ phản ánh lên phường. Đó là lần duy nhất cửa hàng tranh bị phạt tiền. Nhưng, chỉ một thời gian lại bày bừa lại”.

Đa số người dân sống tại ngôi biệt thự đều lo lắng rủi ro có thể xảy ra như ngôi nhà cổ ở Trần Hưng Đạo.

Căn nhà xuống cấp, trở nên cũ kỹ. Ảnh: Ngọc Thi

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Đức Thêm, nguyên là kỹ sư công tác ở Ủy ban Xây dựng – Bộ Xây dựng cho biết: “Nhà tôi này do bố tôi xây từ năm 1945, hồi đó tôi mới 6 tuổi. Nhà cơi nới, cải tạo như hiện tại là nguy hiểm. Chúng ta thử tưởng tượng phòng này thông với tầng kia để có một bức tường, đồng thời là lực trụ để kiên cố tầng trên. Bây giờ bị phá vỡ đi đương nhiên có ảnh hưởng ít nhiều.

Ông cho rằng, đây là ngôi nhà rất đẹp, giá trị cao, có đặc trưng tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương. Đây cũng là lựa chọn của ngành văn hóa, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trần nhà bong tróc. Ảnh: Ngọc Thi

Cầu than cũ kỹ. Ảnh: Ngọc Thi

Năm 1994, TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội là người trực tiếp tham gia xây dựng đề án "Quản lý quỹ nhà biệt thự TP Hà Nội" trình UBND Thành phố. Theo đó, Văn phòng KTS trưởng kiến nghị, UBND Hà Nội phải giữ lại không bán trên 500 biệt thự có giá trị.

HĐND TP Hà Nội lần thứ 17 đã thông qua Đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự, trong tổng số gần 1.000 ngôi biệt thự cổ Hà Nội chỉ giữ lại 173 căn, số còn lại sẽ bán. Trong số này, chỉ riêng biệt thự 65 Nguyễn Thái Học đã có một lịch sử thăng trầm.

Ngọc Thi

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/kien-truc-su-noi-gi-ve-biet-thu-co-noi-dien-vien-chieu-xuan-keu-cuu-20161025173935441.htm