Kiến trúc nào cho vùng lũ lụt miền Trung?

t lũ lụt kéo dài nhiều ngày vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho đồng bào các tỉnh miền Trung, trong đó Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế là các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 700 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 27 ngàn ngôi nhà bị ngập chìm trong lũ, 7 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hàng trăm héc-ta hoa màu, hàng trăm cây xanh đô thị… bị gãy đổ, bị tàn phá.

Với miền Trung, đây không phải là lần đầu xảy ra lũ lụt, mà nó xảy ra thường xuyên với mức độ tác hại khác nhau và với cường độ lũ ngày một lớn hơn, phức tạp hơn. Chính vì thế, việc phòng chống bão lũ lụt đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương và cả với từng hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, do kinh tế còn khó khăn, nguồn lực của Nhà nước có hạn, người dân còn nghèo, nên việc chuẩn bị điều kiện để “sống chung với lũ” vô cùng hạn chế. Năm 2010, ông Phan Diễn - một chính trị gia nổi tiếng thành lập Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung do ông làm Chủ tịch đã khởi xướng việc xây nhà cộng đồng tránh lũ. Năm 2011, Hội KTS Việt Nam phát động cuộc thi kiến trúc “Nhà ở vùng bão lũ lụt miền Trung” và qua cuộc thi này, Hội đã chọn ra vài mẫu có tính khả thi để trên cơ sở đó vận động các DN tham gia tài trợ xây dựng được 5 nhà vượt lũ cho 5 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Năm 2013, Bộ Xây dựng có Chương trình xây nhà vượt lũ với nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ. Đó là những cố gắng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, trách nhiệm của Hội nghề nghiệp với cộng đồng, với xã hội trước thiên tai lũ lụt.

Thực tế xảy ra vừa qua cho thấy, dường như những gì chúng ta đã làm là chưa đủ, chưa đạt hiệu quả tích cực trong phòng chống và thích nghi với thiên tai. Đây là điều rất cần suy nghĩ. Từ trước đến nay, công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các điểm dân cư những vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt các tỉnh miền Trung dường như chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn chủ quan trong tư duy làm quy hoạch. Kiến trúc cũng vậy. Trong quy hoạch nông thôn mới các tỉnh miền Trung, người ta chỉ chú trọng xây dựng mới các công trình như chợ, trụ sở Ủy ban, nhà văn hóa sao thật khang trang, to lớn với nguồn đầu tư lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng lại rất ít, thậm chí có nơi nhà văn hóa, chợ dân sinh xây dựng xong rồi bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí tiền của và làm giảm niềm tin của người dân trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, hầu như không một thôn xã nào xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ, hay hướng dẫn nhân dân xây dựng nhà ở trên cột kiểu truyền thống.

Chúng ta thường thể hiện lòng yêu nước, lòng thiện tâm, lá lành đùm lá rách trước những mất mát đau thương. Hàng trăm tỷ đồng và rất nhiều nhu yếu phẩm đã được đồng bào cả nước quyên góp cứu trợ miền Trung. Đó là nghĩa cử vô cùng cao đẹp. Nhưng đấy vẫn chỉ là giải pháp tình thế giúp bà con miền Trung vượt qua khó khăn ban đầu để tạm ổn định cuộc sống. Về lâu dài, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng cần sớm chỉ đạo rà soát lại quy hoạch các tỉnh miền Trung đã được duyệt hoặc đã lập trong thời gian qua, để có sự điều chỉnh phù hợp trước biến đổi khí hậu đang xảy ra ngày càng phức tạp. Cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, thiết kế mẫu nhà cộng đồng tránh lũ cho từng thôn, xóm (vừa có thể kết hợp làm nơi sinh hoạt cộng đồng khi không xảy ra lũ lụt). Hướng dẫn, động viên người dân xây nhà vượt lũ (nhà trên cột một phần hay toàn bộ…) với kinh phí đầu tư thấp theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước hỗ trợ kinh phí 70 - 80%, còn lại là vốn của dân bằng nguồn vay ưu đãi của ngân hàng), sử dụng nguyên vật liệu địa phương như tre, luồng, gỗ kết hợp với khung bê tông lắp ghép được chế tạo tại chỗ. Các điểm dân cư ở nơi rốn lũ cần có chính sách hỗ trợ, di chuyển đến địa điểm quy hoạch an toàn hơn, cao ráo hơn... Xây dựng môi trường sống an toàn, bền vững cho người dân vùng lũ và các tỉnh miền Trung là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm công dân của các KTS, các nhà quy hoạch và các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và nông nghiệp.

Được biết, sắp tới đây, Hội KTS Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “Kiến trúc vì cộng đồng”, hy vọng rằng, vấn đề kiến trúc cho vùng lũ lụt miền Trung sẽ không bị lãng quên.

KTS Phạm Thanh Tùng

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/kien-truc-nao-cho-vung-lu-lut-mien-trung.html