Kiên trì mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế

Sáng 16/11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố ma trận hạch toán xã hội năm 2012 và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo công bố ma trận hạch toán xã hội năm 2012 và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, đây là một nghiên cứu quan trọng, có ý nghĩa thiết thực nhằm nhận định, đánh giá thực trạng, những tồn tại cùng giải pháp, khuyến nghị cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những thuộc tính, thực tế hoạt động của một số ngành/lĩnh vực cụ thể và đóng góp vào nền kinh tế.

Thông qua các số liệu và nhận định, các cơ quan chức năng cũng có thể nhận được sự gợi ý, tìm kiếm định hướng chính sách để đáp ứng cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững kết hợp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

GS. Finn Tarp, đại diện Đại học Liên hợp quốc cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch, thay đổi mô hình tăng trưởng nên từ đó xác định rõ những chủ trương, chính sách phù hợp trong bối cảnh hội nhập toàn diện vào đời sống kinh tế quốc tế.

“ Tuy nhiên, Việt Nam cần tìm cách thức tiếp cận mới, phù hợp và có giá trị thiết thực để đáp ứng yêu cầu phát triển theo định hướng nhanh, hiện đại”. - GS Finn Tarp nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam ngày càng có độ mở lớn, tham gia nhiều hơn và chặt chẽ vào hoạt động, chuỗi giá trị toàn cầu.

Các chuyên gia cũng gợi ý, cần phát triển một số ngành như du lịch, chế biến nông sản thực phẩm.

Theo đó, hai ngành này cần chú trọng gia tăng đầu tư về công nghệ cũng như nguồn nhân lực để tăng thêm giá trị gia tăng trong sản phẩm, hướng tới lợi nhuận cao hơn trong tương lai.

Đây cũng là phương thức hướng tới tăng trưởng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành hệ thống chế biến nông sản, thực phẩm với khoảng 6.000 doanh nghiệp tham gia và duy trì đà tăng trưởng 10%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này trong năm 2013 đạt hơn 8 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2005, thu hút 1,5 triệu lao động tham gia.

Trong khi đó, ngành du lịch cần khai thác tốt, hợp lý tiềm năng thiên nhiên kết hợp với tinh thần sáng tạo, nâng cao chất lượng phục vụ; hướng tới mục đích gia tăng nguồn thu và khẳng định được vai trò của ngành dịch vụ, xuất khẩu tại chỗ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần có những nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc để tìm ra những phân khúc thị trường phù hợp đối với doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam ; tránh tình trạng dàn trải, manh mún.

Thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu và khắc phục tồn tại là tốc độ chuyển đổi diễn ra chậm trong những năm qua.

Quá trình phát triển kinh tế cần bám sát, dựa vào những trụ cột mới, hợp lý là năng suất, chất lượng và hiệu quả để bứt phá và hình thành nền tảng sản xuất trên cơ sở công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời có giá trị gia tăng cao./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kien-tri-muc-tieu-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-kinh-te/28817.html