Kiến tạo và khởi nghiệp

Thời gian qua, cụm từ khởi nghiệp (starup) được nhiều người nhắc đến và cũng là chủ đề nóng tại nhiều diễn đàn.

Khởi nghiệp từ đâu, khởi nghiệp như thế nào, làm thế nào để có thể khởi nghiệp, kinh nghiệm khởi nghiệp… được nhiều người quan tâm. Đó âu cũng là xu thế tất yếu khi mà môi trường kinh doanh đang được cải thiện và nếu mọi người biết rằng, Samsung xưa kia khởi nghiệp từ mì tôm, Nokia làm giấy, còn Toyota bắt đầu từ nghề mộc… thì sẽ thấy khởi nghiệp không phải là cái gì to tát. Và chỉ có bắt đầu mới mong muốn có được thành công. Khởi nghiệp cần thiết như việc lập nghiệp cho cuộc sống mỗi người. Cùng với việc khuyến khích khởi nghiệp, thời gian qua cũng đã có không ít tấm gương khởi nghiệp được biết đến, được vinh danh. Đó là tấm gương như Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1989, cựu sinh viên Ngoại thương, khởi nghiệp từ việc bán đĩa tiếng Anh để rồi trở thành ông chủ trung tâm ngoại ngữ gồm 50 lớp. Hay như câu chuyện từ động lực làm giàu cho bản thân và gia đình đã khiến một người phụ nữ 37 tuổi Ngô Thị Xuân đến quyết định nghỉ công việc làm thuê và bảo lưu việc học văn bằng 2 để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp với bánh mì và trở thành người sáng lập và chủ thương hiệu “Bánh mì 2T” - món ăn từ đặc sản lạp xưởng tươi nướng nổi tiếng…

Ảnh minh họa

Trong những chia sẻ mới đây, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh khởi nghiệp không phải đơn thuần là giải quyết việc làm mà nó phải là của cả quốc gia, của các DN nhỏ và vừa, các DN lớn, diễn ra không ngừng nghỉ. Chính phủ đang nỗ lực để mọi người đều có cơ hội khởi nghiệp. Nhà nước khi tham gia, hỗ trợ quá trình này sẽ có lợi ở nhiều thứ: Tăng việc làm, thu nhập, tăng trưởng kinh tế để có điều kiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, là những lợi ích không tính được bằng tiền. Mặt khác, với tư cách nhà đầu tư mạo hiểm (thông qua các quỹ đầu tư) thì Nhà nước sẽ có lợi thế kinh tế từ thoái vốn, hoàn lại các tài sản đầu tư ban đầu. Cùng với môi trường đó là những con người phải biết chấp nhận thất bại và chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp, vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm. Biết chia sẻ - hợp tác của những startup đã thành công với những ý tưởng mới hình thành…

Môi trường và cơ hội khởi nghiệp hiện nay ở nước ta rất thuận lợi để ý tưởng sáng tạo được thực hiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mặc dù còn non trẻ nhưng hiện nay đã đứng thứ 3 trong ASEAN, và sẽ còn mạnh hơn nữa. Thị trường trong nước của Việt Nam đủ lớn và tăng trưởng nhanh để những sản phẩm của người khởi nghiệp có thể tiêu thụ được. Việt Nam đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp mỗi người thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp. “Nếu nhìn rộng hơn về những thời cơ mới của đất nước, khởi nghiệp bây giờ đang rất thuận lợi và tất yếu với giai đoạn phát triển mới của Việt Nam ” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng trải lòng chia sẻ với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kien-tao-va-khoi-nghiep-272357.html