Kiên quyết bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia

Nhận định châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp, Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy giải quyết các vấn đề biên giới trên bộ, trên biển…

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại lễ công bố Sách xanh Ngoại giao, với sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan ngoại giao, phóng viên trong nước và quốc tế. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Đó là những định hướng được vạch ra trong Sách xanh Ngoại giao Việt Nam 2015 được Bộ Ngoại giao công bố ngày 22/9.

Đường lối, mục tiêu đối ngoại

Sách xanh đề cập những nội dung cốt lõi của đường lối đối ngoại, những định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đặc biệt là quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và khu vực, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước bạn bè truyền thống, sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Sách dự báo tình hình thế giới những năm sắp tới, châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng trên thế giới.

Đồng thời đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp. Asean trở thành Cộng đồng, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài.

Vì thế, mục tiêu của đối ngoại Việt Nam trong những năm tới là đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc. Theo đó, Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước.

Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành việc phân định biên giới trên bộ, thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và quy tắc ứng xử của khu vực.

Việt Nam sẽ chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, quan trọng. Việt Nam cũng sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước Asean xây dựng Cộng đồng vững mạnh… Việt Nam sẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước… Đồng thời chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống…

Giải quyết các vấn đề biên giới

Năm năm qua, công tác biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia đều có tiến triển. Việt Nam và Trung Quốc đã cơ bản giải quyết xong hai vấn đề tồn tại trên đất liền ở khu vực cửa sông Bắc Luân (ký Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân) và khu vực thác Bản Giốc (ký Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc). Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực duy trì đàm phán về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm, bàn về hợp tác cùng phát triển…

Với Lào, hai bên hoàn thành dự án tăng dày tôn tạo hệ thống mốc giới, đạt được nhiều thỏa thuận trong việc phát triển đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Với Campuchia, hai bên đã hợp tác tốt giữ gìn an ninh, trật tự và giải quyết ổn thỏa các vấn đề phát sinh ở khu vực biên giới; tiếp tục công tác phân giới cắm mốc trên đất liền (đã đạt hơn 80%). Việt Nam còn đàm phán với Indonesia về phân định vùng đặc quyền kinh tế; chuẩn bị điều kiện để đàm phán với Campuchia, Malaysia và Brunei về phân định ranh giới trên biển tại các khu vực chồng lấn.

Theo Sách xanh Ngoại giao, tình hình biển Đông năm 2015 diễn biến phức tạp hơn do Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp, tôn tạo, xây dựng quy mô lớn và triển khai trang thiết bị trên các đảo, bãi đá tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục duy trì trao đổi về vấn đề trên biển với Trung Quốc; kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở biển Đông.

Quan hệ Việt Nam với Mỹ trong năm 2015 có nhiều bước phát triển quan trọng, đặc biệt là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Mỹ; ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ (tháng 6).

Các chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Bộ trưởng Hải quân Mỹ và các hoạt động giao lưu hữu nghị hải quân hai nước trong chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hai tàu Hải quân Mỹ (tháng 4) đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hai nước. Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh… có nhiều tiến triển.

Trúc Quỳnh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/kien-quyet-bao-ve-loi-ich-toi-cao-cua-quoc-gia-1053642.tpo