Kiến nghị thuê Công nghệ Nhật Bản làm sạch biển miền Trung

Tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa - Thiên - Huế tổ chức tại Hà Tĩnh sáng 26.8, nhiều đại biểu đã có những chất vấn quan trọng để rõ hơn về tình hình chất lượng môi trường biển sau thảm họa. Đáng chú ý, có đại biểu kiến nghị Chính phủ nên sử dụng công nghệ để làm sạch chất độc trong môi trường biển, chứ chờ biển "tự sạch" thì lâu quá.

PGS - TS Trịnh Văn Tuyên trả lời chất vấn tại hội nghị. Ảnh: Trần Tuấn

Theo đó, mở đầu hội nghị, đại diện nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học , các đơn vị KHCN thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Bộ NNPTNT, Đại học Quốc gia Hà Nội...đã báo cáo hiện nay chất lượng nước biển từ Hà Tĩnh đến Thừa - Thiên - Huế nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Một số khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), hòn Sơn Trà (Thừa Thiên Huế) có dòng xoáy cục bộ, khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ đất liền và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian. Cùng với đó, hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực...

Phần chất vấn tại hội nghị, một số đại biểu đã có các câu hỏi như: Giải pháp làm sạch biển nhanh hơn, ngoài việc chờ biển tự sạch? Formosa đã thải ra bao nhiêu khối chất chất độc mà gây nên thảm họa môi trường biển diện rộng như thế? Đáng chú ý, một đại biểu đã đặt câu hỏi tại sao không thuê Nhật Bản dùng công nghệ làm sạch biển? Vị này cũng kiến nghị nên thuê Nhật Bản sử dụng công nghệ tẩy chất độc trong nước biển giúp chúng ta chứ chờ biển tự sạch thì lâu quá...

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam trả lời, qúa trình luyện thép từ than cốc tạo ra chất ô nhiễm có hàm lượng lưu huỳnh cao. Ví dụ, từ 1,4 tấn than cám, qua quá trình luyện thu được 1 tấn than cốc, còn lại thu được khí như: benzene, dầu các loại… còn các thành phần không thu được xả ra môi trường. Hiện nay, Formosa có 1 lò cốc, mỗi ngày sản xuất 2.000 tấn cốc, mỗi tấn cốc sẽ phát thải 0,6 tấn nước thải. Như vậy, 1 ngày Formosa sẽ thải trên 1 nghìn m3 nước thải. Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị liên quan đang quan trắc, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của Formosa.

Để phát triển hệ sinh thái biển, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân cho biết: Trong điều kiện bình thường, để san hô trưởng thành, phát triển đầy đủ phải mất 50 năm. Hiện nay, Hà Tĩnh chưa có khu bảo tồn biển. Do vậy, các đơn vị liên quan nên suy nghĩ đến việc can thiệp các biện pháp kỹ thuật, xây dựng các trà, rạn san hô nhân tạo để thu hút cá; nuôi thả các loại thủy hải sản...

Trả lời câu hỏi sao không dùng công nghệ làm sạch biển, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận cho rằng, hiện tại, với việc biển tự hồi phục thì việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như nước ngoài để làm sạch môi trường biển là chưa cần thiết và nếu đưa công nghệ tiên tiến vào để giải quyết vấn đề môi trường biển cần phải được đánh giá và nghiên cứu rất chi tiết. Các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng trước mắt các tỉnh miền Trung cần bảo tồn những vùng có nguồn lợi hải sản, hoặc thả bào ngư ở khu vực có rạn san hô để chúng bảo vệ làm sạch môi trường biển.

Bên lề hội nghị, PV đặt câu hỏi, việc công bố chất lượng nước biển từ Hà Tĩnh đến Thừa - Thiên - Huế đã an toàn, có thể tắm biển, nuôi trồng thủy sản. Vậy nếu từ thời điểm bây giờ, nuôi thủy sản trên vùng biển này thì sau đó sản phẩm thủy sản đã nuôi có ăn được không, an toàn không? Câu hỏi này, GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng, chuyên môn trả lời thuộc về Bộ Y tế, Bộ NNPTNT.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn thông tin về tình hình khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; công tác kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng; kiểm soát chất lượng môi trường tại KKT Vũng Áng và Dự án Formosa.

Clip Hội nghị

PGS - TS Trịnh Văn Tuyên trả lời chất vấn tại hội nghị. Ảnh: Trần Tuấn

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trần Tuấn

Một đại diện nhóm nghiên cứu trả lời tại hội nghị

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/kien-nghi-thue-cong-nghe-nhat-ban-lam-sach-bien-mien-trung-587165.bld