Kiến nghị sửa 9 luật đầu tư, kinh doanh

Ngày 4-10, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” nhằm đánh giá các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, từ đó đề xuất và kiến nghị hoàn thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đại diện các bộ, ngành, các địa phương, chuyên gia, cùng các nhà nghiên cứu tham dự.

Theo các đại biểu, Chính phủ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc triển khai Nghị quyết 19 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện triển khai Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, các thách thức đã bộc lộ rõ.

Chẳng hạn như, thủ tục cấp phép đầu tư và đăng ký sử dụng đất đã bị chững lại theo kết quả thống kê từ Bộ chỉ số kinh doanh Việt Nam của Ngân hàng Thế giới. Các thủ tục đầu tư, kinh doanh hiện đang được quy định rải rác tại một số luật, gây nên sự chồng chéo, mâu thuẫn. Quy trình đầu tư, kinh doanh hiện đang gây khó khăn, trở ngại cho cả cơ quan Nhà nước và cộng đồng DN, làm cản trở sự phát triển và việc thực thi các bộ luật này.

Đại diện của USAID đề xuất cần sửa 9 luật (gồm Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu và Luật Phòng cháy chữa cháy), cũng như cải cách nhiều thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tinh thần thống nhất các quy định và thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng đối với các dự án có sử dụng đất.

Ví như, trong Luật Đầu tư và Luật Nhà ở đang có sự chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo tiêu chí phân chia dự án đầu tư, khiến cơ quan nhà nước và nhà đầu tư không xác định được phải áp dụng theo luật nào là đúng. Trong khi một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư một lần, thì một số địa phương khác vẫn yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục hai lần theo quy định 2 bộ luật nêu trên.

Các chuyên gia cho rằng, việc sửa các quy định pháp luật phải dựa trên phương pháp xây dựng một luật nhiều luật mà dự thảo hiện hành đang thực hiện. Nhưng việc sửa đổi phải đảm bảo trình tự thực hiện hợp lý, thống nhất và đồng bộ, có tính khả thi cho DN và cơ quan quản lý nhà nước.

THÚY HẢI

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161005/kien-nghi-sua-9-luat-ve-dau-tu-kinh-doanh.aspx