Kiến nghị đưa IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy

(ICTPress) - Đây là một trong những đầu mục cần được ưu tiên triển khai trong Giai đoạn 2 mà Ban công tác thúc đẩy phát triển quốc gia về IPv6, Trung tâm Internet Việt Nam kiến nghị tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 1 kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 ngày 16/4 tại Hà Nội.

Ban công tác cho biết cần phải làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa nội dung về công nghệ IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy của các trường sau khi Nghị định “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP để làm sở cứ pháp lý cho công tác hỗ trợ thúc đẩy IPv6 được ban hành.

Đây cũng là ý kiến đề xuất thực hiện trong Giai đoạn 2 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 của TS. Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Quản lý mạng VinaREN, mạng nghiên cứu đào tạo Việt Nam do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý vận hành và ông Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT), Tập đoàn VNPT.

Ông Vũ Tuấn Lâm cho biết hiện nay Học viện đã đưa nội dung IPv6 vào trong một số môn học của các khoa chuyên ngành Điện tử - Viễn thông, Công nghệ thông tin và An toàn thông tin của Học viện nhưng chưa có môn học riêng.

Tuy nhiên, khi đưa đào tạo IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy Học viện đề xuất chủ động xây dựng thành các bài thí nghiệm thực hành hành, đặc biệt các bài mô phỏng nội dung IPv6 do Học viện là đơn vị thuộc Tập đoàn VNPT nên có thực tiễn đang triển khai đưa IPv6 vào trong mạng lưới. Điều này rất hữu ích cho các em sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng thực hành luôn về IPv6. Ví dụ, các bài lab IPv6 như cấu hình địa chỉ, công nghệ truyền tải IPv4 và IPv6, dual stack được thực hiện dưới dạng thực tiễn hoặc mô phỏng.

"Đặc biệt, Học viện đã hợp tác với các hãng Cisco, Jupiter, Huawei áp dụng IPv6 vào các sản phẩm để giới thiệu cho sinh viên. Ngoài ra, Học viện cũng hướng dẫn các em làm đồ án về vấn đề này", ông Vũ Tuấn Lâm cho biết thêm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết việc đào tạo IPv6 mới dùng ở trường đại học lớn nên cần phải mở rộng vì có mấy chục khoa đào tạo Điện tử - Viễn thông, CNTT ở các trường trên cả nước.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề nghị Ban công tác phải làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn đào tạo cho các khoa CNTT, Điện tử - Viễn thông và mở rộng phạm vi đào tạo IPv6 trong môi trường học đường.

Trong giai đoạn đầu chuyển đổi IPv4 sang IPv6, công tác đào tạo về IPv6 rất quan trọng. Do vậy, Ban công tác Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã rất chú trọng thực hiện công tác này, trước tiên là đào tạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, sau đó dần phổ cập chương trình đào tạo IPv6 tới cộng đồng Internet Việt Nam.

Trong giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011 - 2012), Thường trực Ban công tác đã chuẩn hóa chương trình đào tạo về IPv6 và triển khai được 14 khóa đào tạo trực tiếp cho tổng cộng gần 400 cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp Internet. Số học viên này sau khi hoàn thành khóa học đã có thể chủ động thực hiện việc đấu nối, triển khai địa chỉ IPv6 với các ứng dụng cơ bản (Web, Email, DNS…) cho mạng Internet của đơn vị mình. Đồng thời, với kiến thức kỹ thuật chuyên môn đã được đào tạo, những cán bộ kỹ thuật này có thể tự nghiên cứu phát triển thêm các ứng dụng cụ thể trên nền IPv6 phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.

Các doanh nghiệp trong 2 năm qua đã có chương trình trực tiếp với Ban công tác như Tập đoàn VNPT đã triển khai 6 khóa đào tạo IPv6 cho các cán bộ kỹ thuật trên phạm vi cả nước. Công ty SPT đã triển khai 3 khóa đào tạo IPv6 cho nhân lực chủ chốt. Viettel đã triển khai 2 khóa đào tạo cho cán bộ kỹ thuật chủ chốt. Công ty EVN, Công ty NetNam, Công ty Truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV), Công ty Cổ phần công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT), Công ty CMC Telecom cũng đã thực hiện những chương trình đào tạo.

Đối với hình thức đào tạo trực tuyến, từ năm 2008, Thường trực Ban cung cấp tại website www.IPv6.vn một chương trình đào tạo cơ bản về IPv6. Mới đây, chương trình đào tạo IPv6 chuẩn 4 ngày đã được chuyển thể thành chương trình đào tạo trực tuyến. Khóa đào tạo đầu tiên được triển khai cho doanh nghiệp trong tháng 1/2003.

HM

Nguồn ICTPress: http://ictpress.vn/thoi-su-ict/kien-nghi-dua-ipv6-vao-chuong-trinh-dao-tao-chinh-quy