Kiến nghị cấm nhập nguyên liệu sản xuất thức ăn từ Ấn Độ

(TBKTSG Online) - Cục bảo vệ thực vật đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm từ Ấn Độ nếu tiếp tục phát hiện mọt Trogoderma Granarium (TG) có trong các lô nguyên liệu nhập khẩu.

Ngọc Hùng

Gà đang nuôi ở một trang trại ở Đồng Nai. Ảnh: CTV

(TBKTSG Online) - Cục bảo vệ thực vật đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm từ Ấn Độ nếu tiếp tục phát hiện mọt Trogoderma Granarium (TG) có trong các lô nguyên liệu nhập khẩu.

>>> Tiếp tục tái xuất thức ăn chăn nuôi Ấn Độ bị nhiễm mọt

Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, trong tháng 3 đã có gần 5.000 tấn nguyên liệu thức ăn gia súc của Ấn Độ được một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Bình Dương nhập về bị phát hiện có mọt TG. Toàn bộ lô hàng này đã bị Cục bảo vệ thực vật yêu cầu tái xuất ngay sau đó.

Như vậy, trong quí 1-2012, theo Cục bảo vệ thực vật, đã có hơn 12.500 tấn nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm từ Ấn Độ bị phát hiện có nhiễm mọt TG.

Chình vì lý do muốn bảo vệ sản phẩm nông sản trong nước nên Cục bảo vệ thực vật đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT tính đến phương án cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm từ Ấn Độ nếu trong thời gian tới tiếp tục phát hiện lô hàng nào có mọt TG còn sống ở trong các lô hàng nhập khẩu. “Hiện chúng tôi đã kiến nghị, còn việc khi nào thực hiện lệnh cấm này là thuộc quyền quyết định của Bộ NN&PTNT”, ông Huân cho biết.

Trong trong quí 1-2011, Việt Nam cũng đã tái xuất khoảng 100.000 tấn nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm từ Ấn Độ. Sau đó, Ấn Độ đã có những buổi làm việc với Việt Nam để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Ấn Độ đã rút giấy phép 9 công ty xuất khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc, gia cầm sang Việt Nam nhưng trong năm 2012 vẫn có hơn 12.500 tấn nguyên liệu từ Ấn Độ bị tái xuất như nói ở trên.

Theo Cục bảo vệ thực vật, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã có lệnh cấm tất cả những sản phẩm nông sản có nhiễm mọt TG nhập vào nước họ. Vì thế, một khi Việt Nam bị phát hiện có mọt TG thì nguy cơ hàng nông sản như gạo, cà phê, điều… sẽ không xuất khẩu được.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quí 1-2012, Việt Nam phải bỏ ra gần 710 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu lúa mì, ngô (bắp), khô dầu đậu nành... từ Argentina, Mỹ, Ấn Độ... Đặc biệt, Ấn Độ là thị trường được các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm của Việt Nam thường nhập với số lượng lớn vì giá rẻ, phí vận chuyển thấp hơn từ 45-60 đô la Mỹ/tấn nếu so với mua hàng từ thị trường châu Mỹ.

Kiểm tra 100% mẫu rau quả trước khi xuất đi châu Âu

Liên quan đến thông tin ngừng cấp giấy phép xuất khẩu rau quả sang châu Âu , Cục bảo vệ thực vật cho biết, hiện chỉ hạn chế một số mặt hàng có nguy cơ vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật cao như rau thơm, khổ qua (mướp đắng) … còn lại những mặt hàng khác vẫn được cấp giấy phép xuất khẩu nhưng mức độ kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật sẽ khắt khe hơn.

Cụ thể, doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép xuất khẩu rau quả vào châu Âu thì các lô hàng đó đều được lấy mẫu 100% để kiểm tra thay vì chỉ lấy một vài mẫu như trước đây. Còn bên ngoài lô hàng phải khử trùng 100% bằng chất methyl bromide.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/75004/