Kiên Giang tăng cường tuyên truyền phân giới cắm mốc biên giới

Tỉnh ủy Kiên Giang tập trung tăng cường tuyên truyền phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia nhằm nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật về biên giới, lãnh thổ.

Cột mốc số 313 tại cặp cửa khẩu quốc tế Hà Tiên ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và Preak Chak thuộc huyện Kompong Trach, tỉnh Kampot của Campuchia. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cột mốc số 313 tại cặp cửa khẩu quốc tế Hà Tiên ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và Preak Chak thuộc huyện Kompong Trach, tỉnh Kampot của Campuchia. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia.

Việc làm này nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về biên giới, lãnh thổ cũng như trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân khu vực vùng biên, tích cực tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới quốc gia.

Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang Tống Phước Trường cho biết Tỉnh tiếp tục triển khai tuyên truyền những văn bản pháp lý có liên quan đến công tác phân giới, cắm mốc; tập trung tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phân giới, cắm mốc biên giới bộ giữa Việt Nam và Campuchia nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.

Đồng thời, việc cắm mốc, tăng dày, tôn tạo là tạo tâm lý ổn định cho bà con vùng phân giới, cắm mốc yên tâm làm ăn, sinh sống.

Tỉnh tăng cường công tác ngoại giao, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với nước bạn Campuchia nói chung, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị láng giềng tốt đẹp, bền vững giữa tỉnh Kiên Giang và 2 tỉnh Kampot và Takeo của Campuchia nói riêng; kịp thời đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch trong vấn đề biên giới quốc gia.

Theo đó, Kiên Giang tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên kết hợp biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu; tổ chức họp mặt tuyên truyền trong cán bộ hưu trí, đương chức, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo… về kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo; âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch kích động gây rối, làm mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Các cơ quan báo, đài trong tỉnh đưa tin, viết bài và hình ảnh về phân giới, cắm mốc; phản ánh đời sống cư dân và tình hình an ninh trật tự xã hội vùng biên giới; các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch…

Mặt khác, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân 7 xã biên giới của huyện Giang Thành và thị xã Hà Tiên về chủ quyền biên giới quốc gia, công tác phân giới, cắm mốc; vận động hộ dân sinh sống khu vực vùng biên tham gia bảo vệ 56,8km đường biên và các công trình, cột mốc, dấu hiệu mốc giới trên tuyến biên giới; xây dựng các phong trào, mô hình tự quản đường biên, cột mốc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đến việc tự quản an ninh, trật tự xóm làng và trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; tôn vinh, khen thưởng những tấm gương điển hình trong hưởng ứng tích cực vấn đề an ninh, trật tự biên giới, phân giới, cắm mốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia…

Tỉnh Kiên Giang đã phân giới được trên 32km, cắm và đánh dấu 40 điểm cột mốc phụ, xác định và xây dựng hoàn thành 22/28 công trình cột mốc, trong đó có cột mốc 314 là mốc cuối đường biên giới bộ Việt Nam-Campuchia tại thị xã Hà Tiên.

Việc hoàn thành các cột mốc có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh, là điều kiện giữ gìn biên giới hai nước, phối hợp chặt chẽ trong phòng chống tội phạm và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.

Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kien-giang-tang-cuong-tuyen-truyen-phan-gioi-cam-moc-bien-gioi/431336.vnp