Kiến ba khoang tấn công khiến nhiều người Hà Nội viêm da

3 tuần qua số bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Hà Nội khám vì viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang tăng nhanh, nhiều người bệnh nặng bởi chữa nhầm với zona.

Độc chất từ kiến ba khoang gây viêm da nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ xâm nhập qua da. ảnh: C.H.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 50-70 bệnh nhân khám và điều trị. Hầu hết bệnh nhân nghĩ mình bị zona thần kinh nên ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc tự điều trị, bệnh không khỏi còn nặng hơn. Có người đến viện khi vết thương đã bị bội nhiễm mưng mủ, loang ra diện tích lớn hơn rất nhiều so với ban đầu.

Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng ghi nhận lượng bệnh nhân đến khám viêm da do kiến ba khoang tăng cao. Hiện nhiều khu chung cư tại Hà Nội như Nam Trung Yên, Xa La, Văn Quán, Đặng Xá…; đặc biệt là những nơi gần cánh đồng xuất hiện nhiều kiến ba khoang. Loài côn trùng này thường xuất hiện rầm rộ vào mùa thu, dịp thu hoạch lúa.

Các loại côn trùng như kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng, nhất là ánh sáng đèn điện. Vì vậy, vào buổi tối, khi điện bật sáng sẽ thu hút côn trùng bay vào nhà, bám vào đồ dùng, tiếp xúc với da người và tiết độc gây viêm da.

Độc chất từ kiến ba khoang gây viêm da nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ xâm nhập qua da. Ban đầu người bệnh cảm thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ đỏ cộm thành vệt nổi những mụn nước to nhỏ không đều kích thước 1-5 mm, một đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này người bệnh cảm giác đau rát càng tăng, có thể kèm theo sốt, khó chịu...

Vì thế, để phòng tránh kiến ba khoang cũng như các loại côn trùng khác, người dân nên đóng kín hết cửa hoặc buông rèm nếu bật đèn để côn trùng không bay vào nhà. Có thể dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương… Vào mùa côn trùng phát triển (tháng 3-5 và 8-10) trong nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ quét dọn nhà cửa, rũ giường. Người lớn cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng, nếu thấy côn trùng đậu trên người nên thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không lấy tay đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang mà dùng tấm giẻ to, ẩm chụp vào côn trùng, sau đó lấy một tấm giẻ ướt khác lau hết những bụi phấn, nhựa còn sót lại...

Bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, trong nhà nên chuẩn bị sẵn 3 loại thuốc: cồn 70 độ, mỡ corticoid và kem phenaegan. Khi bị dính chất độc kiến ba khoang, dùng cồn rửa sạch vùng da bị thương tổn. Việc rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của kiến. Bôi mỡ corticoid 4-6 lần một ngày, bôi kem phenaegan 8-10 lần một ngày. Chú ý khi bôi thuốc phải miết mạnh ở vùng da bị đốt đến khi thuốc khô, thẩm thấu thuốc sẽ tốt hơn. Cồn giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da.

Theo Phương Trang/VnExpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/kien-ba-khoang-tan-cong-khien-nhieu-nguoi-ha-noi-viem-da.html