Kiến ba khoang lại 'hành' người dân Thủ đô

Từ đầu tháng 9 đến nay, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận khám và điều trị cho hàng trăm ca bệnh bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân này, có đến 80% đã tự chẩn đoán hoặc nhân viên bán thuốc chẩn đoán nhầm sang bệnh zona thần kinh dẫn đến hướng điều trị sai làm chỗ da bị viêm nặng hơn.

Viêm da tiếp xúc sau khi bị kiến ba khoang đốt. (Ảnh: Internet)

Đa số bị chẩn đoán nhầm sang bệnh zona thần kinh

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có rất nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị do bị kiến ba khoang đốt. Trong tháng 9, Bệnh viện Da liễu trung ương khám và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do độc tố của kiến ba khoang thì tính từ đầu tháng 10 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca, hầu hết những bệnh nhân đến khám đều là trường hợp nặng.

Anh Trần Thành Hoàn (Hải Phòng) cho biết: “Khi tôi đi khám thì bác sĩ bảo tôi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Trước đó tôi tưởng là bị zona thần kinh nên tự mua thuốc và bôi tại nhà nhưng không thấy khỏi mà chỗ rộp rát hơn và lan rộng ra, có mủ”.

Chị Vi Thị Thủy (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết: “Con trai tôi cũng bị kiến ba khoang đốt, nhưng khi ra hiệu thuốc nhân viên bán thuốc lại bảo rằng bị zona thần kinh nên bán thuốc điều trị zona. Sau mấy ngày bôi thuốc mà không khỏi, chỗ da rộp thì càng đau rát và có xu hướng lan rộng, tôi đưa cháu đi khám mới biết vết rộp là do kiến ba khoang gây nên”.

Bác sỹ Trịnh Xuân Vinh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Khi bị kiến ba khoang đốt, trên 80% bệnh nhân đã tự mua thuốc ở các hiệu thuốc bên ngoài về tự điều trị. Tuy nhiên, khi ra hiệu thuốc, nhân viên bán thuốc thường cho rằng là do bị zona thần kinh.

Có nhiều bệnh nhân dùng thuốc bôi, thuốc uống điều trị cho zona thần kinh 3 — 4 ngày không khỏi mới đến bệnh viện, được bác sĩ khám và thông báo thì bệnh nhân mới biết là bị viêm da tiếp xúc do độc tố của kiến ba khoang chứ không phải là do bị zona thần kinh”.

Bác sĩ cho biết thêm, việc điều trị viêm da do kiến ba khoang không khó, nhưng nếu điều trị không đúng cách có thể gây viêm nặng hơn, gây nhiễm khuẩn thứ phát và loét. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào tổn thương, nhưng thường dùng thuốc bôi tại chỗ kèm theo kháng sinh.

Các bác sĩ khuyến cáo khi nghi ngờ bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang bệnh nhân không nên tự mua và bôi thuốc tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để khám và xác định đúng bệnh.

Phân biệt viêm da do kiến ba khoang và zona

Kiến ba khoang là một loại bọ cánh cứng có tên khoa học là Paederus fuscipes (tên tiếng Anh là rove beetles). Ngoài ra còn có một số tên gọi khác như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong...

Kiến ba khoang có thân hình thon, dài như hạt thóc, có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi, bay và chạy rất nhanh; về màu sắc, có màu cam tối hay sậm màu, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra); có cái đầu đen, sau bụng và elytra và một phần ngực màu đỏ và phía trước bụng trong một xen kẽ màu đen - đỏ - đen - đỏ - đen, tương ứng với đầu - ngực - elytra - trước bụng - sau bụng.

Đặc biệt, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa một chất độc có tên là Pederin, có độc tính cao gấp 12 đến 15 lần chất độc của rắn hổ mang. Tuy nhiên chất độc này trong kiến ba khoang chỉ có một liều lượng nhỏ nên chỉ đủ làm người bệnh bị phồng rát và viêm da.

Kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất vào mùa thu đông, từ tháng 9 đến tháng 12. Chúng rất nhạy cảm với ánh sáng nên thường bị thu hút bởi bóng đèn. Chúng bay vào trong nhà, sau đó không biết đường ra và đậu vào giường chiếu, quần áo, thậm chí lên cổ, mặt, phần hở thân mình của người đứng dưới bóng đèn.

Hiện có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh viêm da do kiến ba khoang đốt và do bị zona thần kinh dẫn đến việc điều trị sai, chỗ da viêm lâu khỏi và có xu hướng nặng thêm.

Các chuyên gia y tế cho biết, vết cắn của kiến ba khoang thường xuất hiện đột ngột vào buổi sáng khi ngủ dậy ở những vùng da hở như cổ, mặt, tay, chân... và ai cũng có thể bị kiến đốt.

Còn người bệnh zona thường có tiền sử bệnh lý thủy đậu, sau đó vi rút di chuyển đến sống tiềm ẩn tại các hạch cảm giác ở thần kinh vùng thắt lưng. Khi cơ thể mệt mỏi, suy nhược, hoặc khi mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch như AIDS, bệnh lao… thì vi rút sẽ theo đường thần kinh tái hoạt gây bệnh.

Triệu chứng khi bị kiến ba khoang đốt, người bệnh cảm thấy bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa và kèm theo nhiều mụn nhỏ có màu vàng nhạt giống như mụn mủ, ở những nếp gấp thì thương tổn có thể bị cả 2 bên mặt.

Còn triệu chứng của bệnh zona thần kinh là nổi những mụn nước, thường liên kết lại với nhau (dính chùm), quan sát kỹ có thể thấy lõm giữa trên bề mặt của mụn nước và gây đau nhức, không ngứa.

Vị trí hay gặp của bệnh là liên sườn, thường có viêm hạch liên quan. Cũng theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây nhầm lẫn giữa hai bệnh này là do da vùng thương tổn của cả hai bệnh đều bị viêm đỏ, càng dễ lầm khi viêm da tiếp xúc do côn trùng khu trú một bên còn bệnh zona thường chỉ bị một bên.

Để phòng tránh bị kiến ba khoang đốt, người dân nên đóng cửa lại mỗi khi có mưa vào buổi chiều tối và cẩn thận khi làm việc dưới ánh đèn.

Kiểm tra khăn mặt, quần áo, giường chiếu trước khi sử dụng. Không phơi quần áo, khăn mặt ở bên ngoài mỗi khi có mưa vào buổi chiều tối.

Nếu phát hiện kiến ba khoang thì tránh tiếp xúc trực tiếp, tìm cách loại chúng đi mà không để côn trùng tiếp xúc với da của mình. Đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có phòng khám chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

Mai Hiền

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/kien-ba-khoang-lai-hanh-nguoi-dan-thu-do-d27908.html