Kiểm tra thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Vĩnh Phúc

Tổng số nhiệm vụ giao cho tỉnh Vĩnh Phúc là 760 nhiệm vụ; trong đó nhiệm vụ đã thực hiện hoàn thành là 637 nhiệm vụ.

Ngày 16/5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng đoàn công tác đã về kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Vĩnh Phúc.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ tháng 1/2016 đến ngày 10/5/2017 cho biết: Qua rà soát, thống kê giữa Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tổng số nhiệm vụ giao cho tỉnh Vĩnh Phúc là 760 nhiệm vụ; trong đó nhiệm vụ đã thực hiện hoàn thành là 637 nhiệm vụ, đạt hơn 83%, còn lại là số nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Tỉnh đã báo cáo giải trình một số vụ việc chưa hoàn thành, vụ việc quá hạn... với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua Tổ công tác, Vĩnh Phúc đã báo cáo và trả lời một số vấn đề với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; những tồn tại trong công tác khai thác tài nguyên khoáng sản; khai thác cát nguy cơ ảnh hưởng đến bờ kè Trung Hà, huyện Yên Lạc; quản lý rừng và xung quanh dư luận bàn về việc lấy đất rừng xây dựng nghĩa trang ở Núi Ngang, huyện Tam Đảo; phá rừng ở núi Đá Bia, xã Ngọc Thanh; ô nhiễm môi trường các sông kênh gần đây do vứt xác động vật gây ô nhiễm; vấn đề ngộ độc thực phẩm; vấn đề dự án quần thể du lịch sinh thái FLC Vĩnh Thịnh - An Tường 256 ha...

Theo báo cáo của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt thời gian, các thủ tục hành chính nhằm đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp, công dân. Để tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh Vĩnh Phúc đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với phục vụ tốt nhất và đang thàng lập Trung tâm hành chính công.

Về vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản, theo báo cáo Sở Tài nguyên và Môi Trường Vĩnh Phúc, việc khai thác cát sỏi trên dòng Sông Lô, huyện Sông Lô trước đây diễn ra phức tạp do cát ở Sông Lô có giá trị lớn, cát ở đây được dùng đổ bê tông và các phần việc xây dựng quan trọng do đó giá rất cao, các doanh nghiệp và cả người dân tranh thủ ngày đêm khai thác, đặc biệt là khai thác trái phép diễn biến phức tạp.

Việc khai thác cát trước đây diễn ra nhiều hệ lụy gây sạt lở đất đai, gây mất an ninh trật tự ở địa phương... Vì thế gần đây Vĩnh Phúc đã xém xét kỹ lưỡng, thận trọng trong việc cấp phép để công tác quản lý, khai thác đạt hiệu quả.

Hiện việc khai thác cát tuyến Sông Lô qua địa bàn Vĩnh Phúc đã cơ bản không có những tranh chấp, ít xảy ra những vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, việc sạt lở đất canh tác bờ tả Sông Lô còn do các yếu tố khác gây ra chứ không chỉ riêng việc khai thác cát.

Về việc khai thác cát nguy cơ ảnh hưởng đến bờ kè Trung Hà, huyện Yên Lạc (thuộc bờ tả sông Hồng) để người dân bức xúc và có ý kiến cho rằng Công ty khoáng sản Hoàng Phát Thủ đô khai thác cát gây sạt lở, nhưng đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, Sở đã kiểm tra nhưng công ty này khai thác đúng phạm vi và việc gây sạt lở kè là do một số tàu bè, hoạt động của người dân đến đây lập bến bãi, khơi luồng lạch làm sạt lở khu vực bãi bồi...

Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Thời gian qua tỉnh đã ngừng cấp phép, không cấp thêm giấy phép khai thác cát sỏi trên sông Lô và Sông Hồng. Vĩnh Phúc tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động khai thác cát sỏi, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình sai phạm.

Liên quan đến Dự án xây dựng nghĩa trang tại Núi Ngang, huyện Tam Đảo, báo chí có nêu việc Vĩnh Phúc đồng ý chủ trương phá rừng phòng hộ ở núi Ngang (huyện Tam Đảo) làm công viên nghĩa trang vấp phải sự phản đối của hàng trăm hộ dân thuộc huyện Tam Đảo và các chuyên gia.

Nhiều ý kiến cho rằng chủ trương phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc là không thể chấp nhận, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch, ô nhiễm và có ý đồ khai thác khoáng sản trong núi...

Trước phản ứng mạnh, hiện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản xin dừng dự án.

Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Hiện nay, Vĩnh Phúc có nhiều nghĩa trang nhân dân, nhất là những nghĩa trang lớn ở các khu đô thị trong tỉnh qua sử dụng nhiều năm, nay đang trong tình trạng quá tải.

Việc Vĩnh Phúc quy hoạch xây dựng nghĩa trang ở Núi Ngang là việc làm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, phù hợp với quy hoạch phát triển và mong được sự ủng hộ của các bộ, ngành... bởi ngoài các vị trí mà tỉnh đã quy hoạch đất để làm nghĩa trang như Núi Ngang thì không có nơi nào khác làm nghĩa trang được coi là phù hợp hơn bởi không "vấp" vào đất rừng thì cũng vào đất lúa....

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết dãy núi Tam Đảo chiếm 1/4 diện tích của toàn tỉnh. Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc mới xin chủ trương quy hoạch, chứ sử dụng diện tích bao nhiêu, bao nhiêu đất rừng, bao nhiêu đất ruộng là chưa có. Việc xây công viên nghĩa trang giúp tỉnh phát triển bền vững...

Cùng với đó là vụ việc chặt phá hàng nghìn m2 rừng trên núi Đá Bia, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên. Người dân phản ánh các đối tượng chặt phá rừng không thương tiếc, diễn ra từ năm 2016, hiện còn một số đối tượng hoạt động hết công suất, san lấp mặt bằng như một công trường. Tỉnh cần khẩn trương kiểm tra vụ việc nói trên.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, như sông Phan ô nhiễm nghiêm trọng do hằng ngày đang phải gánh chịu hơn 20.000 m3 nước thải của hơn 200.000 hộ dân, 4.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp cùng hàng trăm hộ dân sản xuất liên quan tới hóa chất, sắt vụn… xả thải đang là vấn đề nóng.

Tuy vậy, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho rằng không có các loại chất thải, nước thải thải ra sông Phan mức độ lớn.

Cùng với đó là ô nhiễm môi trường sông Phó Đáy do vứt xác động vật được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng thời gian qua do giá lợn xuống thấp, ở một số địa phương đã có tình trạng lợn bị bỏ đói, dịch bệnh và chết.

Tuy nhiên, xác lợn chết trôi dạt trên sông Phó Đáy tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua là do lợn chết từ thượng nguồn trôi dạt về, chứ không phải là vật nuôi của người dân địa bàn tỉnh này vứt bừa bãi ra sông.

Về dự án FLC Vĩnh Thịnh, tỉnh cho rằng cơ chế không phải thu hồi cho FLC mà thu hồi xong sẽ đấu giá. FLC là một trong những nhà đầu tư triển vọng.

Vùng đất xã Vĩnh Thịnh - An Tường là đất bãi sông có phù sa bồi đắp phù hợp với trồng cỏ, trồng ngô, phù hợp chăn nuôi bò, đất lúa ở đây chỉ chiếm một phần nhỏ.

Những những năm gần đây đàn bò tăng trưởng nhanh, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề do các loại chất thải chăn nuôi thải ra môi trường, đang gây những hậu quả, cần phải được giải quyết.

Tỉnh Vĩnh Phúc buộc phải thay đổi, để nâng cao chất lượng, không để người dân sống trong môi trường ô nhiễm. Vĩnh Phúc dự kiến có vùng quy hoạch mới, dự định chuyển đàn bò sang chăn nuôi tập trung và phát triển du lịch dịch vụ tại nơi đây...

Vấn đề an toàn thực phẩm, vụ 7 người tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường phải nhập viện do bị ngộ độc rượu; giáo viên tại Trường Mầm non Hợp Lý, huyện Lập Thạch bị phát hiện sử dụng thịt bẩn để chế biến thức ăn cho học sinh, gây bức xúc cũng được đại diện các sở, ngành trả lời và giải đáp rõ....

Tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp thu nhiều ý kiến khác của Tổ công tác và giao cho các sở ban ngành trong tỉnh tiếp tục thẩm định, nghiên cứu các vấn đề dự luận quan tâm.../.

Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kiem-tra-thuc-hien-nhiem-vu-do-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-giao-tai-vinh-phuc/44836.html