Kiểm tra, rà soát công tác chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, trong hai ngày 16, 17-8, trên lưu vực sông Thao, sông Lô có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 3,5 m; ở hạ lưu từ 1 đến 2,5 m.

Trên lưu vực sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 4 m; ở hạ lưu từ 1 đến 2 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng sẽ đạt mức báo động 1, các sông khác ở mức dưới báo động 1. Sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía bắc. Tại các tỉnh miền trung, nắng nóng có xu hướng giảm dần về cường độ.

* Chiều tối 15-8, mưa lớn kéo dài đã gây ra ngập lụt khu vực trung tâm Bản Phủ và một số diện tích lúa trên địa bàn xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Tại khu vực trung tâm, nước ngập từ 40 đến 50 cm trên đoạn đường dài gần 1 km gây ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh và người tham gia giao thông. Mưa lớn đã làm ngập khoảng hơn 3 ha và cuốn trôi khoảng 6 ha lúa gần khu vực suối Hổi Lé. Lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, đồng thời cắm biển cảnh báo tại những khu vực nước ngập sâu.

* Ngày 15-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có Công văn 94/TWPCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh miền núi phía bắc về việc kiểm tra, rà soát, chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ tại các tỉnh Bắc Bộ. Theo đó, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh phân công cụ thể các thành viên xuống địa phương để kiểm tra và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

* Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, Bộ Công thương yêu cầu các nhà máy thủy điện vận hành hồ chứa đúng quy trình liên hồ, đơn hồ; kiểm tra hồ, đập, nguồn điện, vật tư dự phòng... để sẵn sàng ứng phó, xử lý ngay các tình huống, bảo đảm an toàn hồ đập. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện... sẵn sàng khắc phục nhanh mọi sự cố do mưa lũ gây ra, nhất là cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng.

* Ngày 14-8, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã phát động chương trình ủng hộ đồng bào vùng núi phía bắc đang bị mưa, lũ tàn phá nặng nề. Tổng số tiền ủng hộ của Thành ủy và các cơ quan trực thuộc là 107 triệu đồng. Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã phát động quyên góp, và số tiền đăng ký đóng góp của các cơ quan, đoàn thể... lên tới gần 3,4 tỷ đồng.

* Sáng 15-8, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam tổ chức tiếp nhận hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động các tỉnh Tây Bắc bị thiệt hại do mưa lũ.

Tại buổi tiếp nhận, CĐGD Việt Nam đã tiếp nhận 1,36 tỷ đồng từ 16 đơn vị, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của đội ngũ nhà giáo, người lao động ở các nhà trường, các cơ sở giáo dục.

* Tại hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội khóa XV (mở rộng), Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã phát động đợt ủng hộ đồng bào các tỉnh Tây Bắc bị thiệt hại do mưa lũ. Ngay tại hội nghị, LĐLĐ thành phố quyết định ủng hộ 200 triệu đồng cho đồng bào các tỉnh Tây Bắc.

* Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên đã vận động được gần một tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức; đồng thời, kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đóng góp ít nhất một ngày lương để ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ.

* Công an TP Đà Nẵng đã trao số tiền 351 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để ủng hộ đồng bào các tỉnh Tây Bắc. Trước đó, Công an tỉnh Hà Nam cũng quyên góp được 70 triệu đồng để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.

* Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xuất quỹ cứu trợ của tỉnh hỗ trợ đồng bào Tây Bắc 500 triệu đồng.

* Tập đoàn Bảo Việt đã quyên góp được gần 1,5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào Tây Bắc bị thiệt hại do mưa lũ.

* Trong hai ngày 14 và 15-8, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây sạt lở đất, ngập úng và ách tắc giao thông tại nhiều nơi ở tỉnh Lào Cai. Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Si Ma Cai, mưa lớn đã làm sạt lở đất vào hai nhà dân ở Phố Thầu. Tại huyện Mường Khương, mưa lớn gây lũ ống, đổ xuống cắt ngang quốc lộ 4D, làm ách tắc giao thông tại xã Thanh Bình.

* Tại huyện Mường La (tỉnh Sơn La), các ngành chức năng đang nỗ lực tìm và bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị thiệt hại bởi mưa lũ. Theo đó, 57 hộ dân đầu tiên ở vùng lũ Nặm Păm đã lựa chọn được địa điểm và dựng nhà tái định cư khẩn cấp.

* Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, đến 14 giờ ngày 15-8, trên địa bàn tỉnh có một người chết và ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 31 tỷ đồng. Tỉnh đã trích hai tỷ đồng hỗ trợ cho hai huyện Ba Chẽ và Hoành Bồ, mỗi địa phương một tỷ đồng để khắc phục thiệt hại.

* Tại Hà Tĩnh, qua công tác kiểm tra đã phát hiện bốn lỗ rò nước qua đê La Giang từ phía đồng sang phía sông tại K1+480, K1+520, K1+600, K1+730. Tổng cục Thủy lợi đã cử đoàn công tác đến kiểm tra và hướng dẫn địa phương biện pháp xử lý.

Lũ nhỏ tiếp tục xuất hiện ở Mường La

Từ 21 giờ 30 phút ngày 14 đến chiều tối 15-8 trên địa bàn một số xã của huyện Mường La (Sơn La) lại tiếp tục xảy ra mưa lớn gây ra lũ trên suối Nặm Păm. Mực nước tại thời điểm mưa lớn nhất đo được vào khoảng 100mm khiến cho xã Nặm Păm tiếp tục bị ngập và cô lập; cuốn trôi toàn bộ kè đá ngầm đi qua suối và gầm dò thép, các phương tiện có trọng tải lớn gặp khó khăn khi đi qua suối phục vụ công tác khắc phục mưa lũ. Toàn bộ tuyến đường làm tạm tới các điểm bản chịu ảnh hưởng do lũ quét đêm ngày 2 và rạng sáng ngày 3-8 đã bị cuốn trôi. Giao thông tạm thời bị đứt đoạn.

Qua đánh giá tình hình, không ghi nhận thiệt hại về người và tài sản nhà cửa hay diện tích cây cối hoa màu. Lãnh đạo địa phương đã sớm có thông báo tới toàn thể nhân dân, các lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ trên khu vực xã Nặm Păm chủ động phòng tránh, di dời đến chỗ an toàn, đồng thời khẩn trương khôi phục các đoạn đường.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33794302-kiem-tra-ra-soat-cong-tac-chu-dong-ung-pho-mua-lu-tai-cac-tinh-bac-bo.html