Kiểm tra Lịch sử, Giáo dục, Địa lý công dân theo hình thức trắc nghiệm

GD&TĐ - Ông Ngô Ngọc Thư - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên - cho biết: Với học sinh lớp 12, để tiếp cận với đề thi mới của Bộ GD&ĐT, các trường trên địa bàn tỉnh được hướng dẫn thực hiện kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm với môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Với khối lớp 6 đến khối lớp 11 theo hình thức kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan (tỷ lệ tỳ theo đặc điểm của từng lớp), đảm bảo mức độ nhận biết tối thiểu 50%.

Nội dung đề kiểm tra phải bám theo chuẩn kiến thức kĩ năng, hạn chế việc học sinh ghi nhớ máy móc, câu hỏi kiểm tra nên có những vấn đề mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng, tổng hợp kiến thức, kỹ năng và những kiến thức đã học. Hướng vào các sự kiện xã hội, những vấn đề có tính thời sự, gây sự chú ý nhưng có tính giáo dục cao.

Riêng môn Địa lý, các bài kiểm tra định kì phải thực hiện đúng theo phân phối chương trình và việc ra đề có thể theo một trong hai hình thức:

Tự luận hoặc kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khách quan (theo tỉ lệ: 70%, 30% hoặc 60%, 40% tùy theo đặc điểm của từng lớp), đảm bảo mức độ nhận biết tối thiểu 50%. Đối với học sinh khối lớp 12, để tiếp cận với cách thức thi mới của Bộ GD&ĐT, các trường thực hiện kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kì, kiểm tra cuối năm theo hình thức trắc nghiệm.

Việc ra đề kiểm tra phải đi kèm với việc thiết lập ma trận đề và hướng dẫn chấm để triển khai khi chấm và lưu trữ vào hồ sơ chuyên môn của tổ.

Về cách thức tổ chức kiểm tra, ông Ngô Ngọc Thư cho biết, Sở GD&ĐT yêu cầu cùng với các môn học khác, các trường phải đưa môn Lịch sử và Giáo dục công dân vào kiểm tra tập trung chung với toàn trường.

Khi chấm bài kiểm tra giáo viên phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh.

Các trường chủ động thành lập và xây dựng hệ thống ngân hàng đề kiểm tra để làm tư liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh và để sử dụng cho nhiều năm.

Cần phải thay đổi nhận thức việc kiểm tra đánh giá không chỉ là khâu cuối cùng của quá trình dạy học mà nó còn là động lực để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh.

Nên sử dụng nhiều hình thức kiểm tra đánh giá một cách linh hoạt, sáng tạo: Giáo viên đánh giá học sinh, học sinh tự đánh giá, học sinh nhận xét đánh giá lẫn nhau. Đổi mới việc kiểm tra miệng, không nhất thiết phải luôn kiểm tra miệng vào đầu giờ học.

Ông Ngô Ngọc Thư

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/kiem-tra-lich-su-giao-duc-dia-ly-cong-dan-theo-hinh-thuc-trac-nghiem-2469190-v.html