Kiểm soát xung đột lợi ích để tránh cha bổ nhiệm con

'Nếu xung đột lợi ích phải tránh là nguyên tắc thì nó sẽ điều chỉnh mọi quy trình để không còn chuyện cha bổ nhiệm con ở một bộ nọ'.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị đưa khái niệm xung đột lợi ích vào hoạt động lập pháp

Ngày 9.11, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Thanh tra Chính phủ công bố nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở Việt Nam”.

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp, 1.411 cán bộ công chức và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh thành, 5 bộ ngành tập trung vào 6 lĩnh vực công, gồm: Cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đưa ra một khái niệm chính thức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích một cách có hệ thống trong khu vực công. Theo kết quả khảo sát, có từ 25 - 40% cán bộ công chức được hỏi cho rằng cơ quan họ không thực hiện các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định.

Theo khảo sát, có 4 hình thức xung đột lợi ích phổ biến nhất, gồm: Tặng/nhận quà bằng tiền hoặc không bằng tiền; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân (có mức độ rất phổ biến trong các lĩnh vực được khảo sát).

“Gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức có biết rõ việc tặng, nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”. Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị “phân biệt đối xử” trong khi cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều", kết quả khảo sát nêu rõ.

Góp ý thêm vào báo cáo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nói luật Phòng chống tham nhũng quy định hạn chế việc đưa người thân vào những vị trí thuận lợi, nhưng thực tế đã xuất hiện trường hợp Bộ trưởng đưa con vào vị trí lãnh đạo của một đơn vị thuộc ông này quản lý, khiến báo chí tốn nhiều giấy mực.

Theo bà Kim Hạnh, do điều luật không rõ ràng nên khi có hiện tượng tiêu cực, cơ quan chức năng vào kiểm tra lại xác định là “đúng quy trình”, đây là những điều cần phải lưu ý.

Đồng tình với ý kiến này, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề nghị nên làm rõ khái niệm xung đột lợi ích và kiểm soát trong hoạt động lập pháp, cũng như hoạt động các cơ quan quản lý. “Nếu xung đột lợi ích phải tránh là nguyên tắc thì nó sẽ điều chỉnh mọi quy trình để không còn chuyện cha bổ nhiệm con ở một bộ nọ”, ông Dũng nói.

Thái Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/kiem-soat-xung-dot-loi-ich-de-tranh-cha-bo-nhiem-con-763607.html