Kiểm soát và bảo vệ môi trường

Ô nhiễm môi trường gia tăng do sự phát triển nóng của đô thị đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, làm giảm chỉ số cạnh tranh của Hà Nội khi thu hút đầu tư. Để giải quyết vấn đề trên, thành phố đã xây dựng các trạm quan trắc và đưa Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu môi trường vào vận hành nhằm giám sát các hoạt động xả thải để có giải pháp khắc phục.

Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải tạo, chỉnh trang kè hồ, làm sạch mặt nước, hạn chế việc nuôi cá kinh doanh... nhưng tình trạng ô nhiễm nước ở các hồ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các tuyến sông như Tô Lịch, Kim Ngưu... nước vẫn đen ngòm, bốc mùi hôi thối do các điểm xả thải chảy vào sông, hồ vẫn chưa được xử lý.

Cùng với đó, ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố cũng ngày càng nghiêm trọng. Kết quả khảo sát do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thực hiện tại một số điểm ở Hà Nội mới đây cho thấy, mức ồn trung bình là gần 80 deciben. Trong khi, đối với một người trưởng thành, nếu phải tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn trên 64 decinben sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp hơn 90% so với bình thường. Ở mức độ 70 deciben, tiếng ồn sẽ làm tăng rủi ro mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Còn với chất lượng không khí, theo thống kê từ trạm quan trắc (từ ngày 1 đến 9-1-2017), chất lượng không khí ở Nhổn (quận Bắc Từ Liêm) thường xuyên ở mức kém; có 3 ngày (1, 2 và 8-1) chỉ số không khí ở mức nguy hại.

Để tháo gỡ những tồn tại này, Hà Nội đã đầu tư các trạm quan trắc môi trường và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu môi trường. Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) cho biết, hiện trên Cổng thông tin điện tử Hà Nội và website của Sở TN-MT đã công bố các thông số quan trắc môi trường không khí và nước mặt. Ở mọi lúc, mọi nơi, người dân đều có thể biết được chất lượng môi trường không khí của thành phố.

Chỉ vào màn hình điện thoại di động đang được kết nối với Cổng thông tin điện tử Hà Nội, ông Thái giới thiệu: "Tất cả các điểm đặt trạm quan trắc đang hiển thị màu xanh, là mức an toàn. Tại khu vực Nhổn những ngày trước, khi trạm quan trắc đưa ra thông số cảnh báo, chúng tôi tìm hiểu ngay và được biết nguyên nhân là gần điểm đặt trạm quan trắc có một ngôi chùa, việc đốt vàng mã nhiều đã dẫn đến những số liệu cảnh báo xấu về môi trường".

Hiện Hà Nội là địa phương đầu tiên đánh giá và công bố số liệu quan trắc này trên mạng điện tử. Trên cơ sở những chỉ số thường xuyên được cập nhật, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường, Chi cục Bảo vệ môi trường có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra những phân tích, đánh giá, cũng như đề xuất, kiến nghị với thành phố giải pháp xử lý, khắc phục...

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu môi trường là một trong những giải pháp giúp Hà Nội kiểm soát, giám sát các hoạt động sản xuất có xả thải ra môi trường. Thành phố yêu cầu tất cả các đối tượng có quy mô xả thải lớn, theo quy định của pháp luật, phải lắp đặt các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN-MT Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, Hà Nội đã đầu tư 10 trạm quan trắc không khí, bao gồm 2 trạm cố định quan trắc tự động liên tục và 8 trạm cảm biến đo một số chỉ tiêu chất lượng không khí tại các điểm trên địa bàn. Các trạm này phục vụ công tác theo dõi, quản lý và mô hình hóa chất lượng không khí. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục lắp thêm khoảng 100 trạm quan trắc ở nhiều điểm trên toàn thành phố.

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/862320/kiem-soat-va-bao-ve-moi-truong