Kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ dịp Tết Nguyên đán

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Để thực hiện điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành chú trọng kiểm soát giá các loại hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại, dù được dự báo giá cả không tăng nhưng khi nhu cầu tăng thì giá sẽ tăng theo.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, nhiều siêu thị ở Hà Nội như Big C, Lotte Mart, Co.opmart… đã niêm yết các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá dịp Tết. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đã nhập tăng 30 - 40% lượng hàng tiêu thụ mạnh dịp tết như bánh kẹo, đồ uống dự trữ và quần áo thời trang. Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ quả cũng được các siêu thị tăng nguồn hàng để phục vụ người dân.

Người dân kỳ vọng giá cả không bị "sốt" dịp Tết. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Dự báo mới đây của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Với nguồn cung hàng hóa dồi dào, khả năng “sốt” giá sẽ không cao. Tuy nhiên, với những mặt hàng thiết yếu như rau, thịt, đặc biệt là hàng tươi sống tại các chợ có thể tăng 10 - 15% trong những ngày cận Tết.

“Thông thường, từ ngày 27 - 30 Tết, giá cả các mặt hàng thiết yếu như thịt, rau quả, hải sản… tại các chợ sẽ tăng khá mạnh, từ 20 - 30%, thậm chí 40%”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.

Đồng tình quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng: Việc bình ổn giá hầu như chỉ hiệu quả đối với các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng phân phối qua kênh siêu thị, còn phần lớn thực phẩm tươi sống giao thương tại các chợ cóc, chợ tạm thì vẫn khó kiểm soát. Do 70% lượng hàng thực phẩm tươi sống vẫn do đội ngũ tiểu thương phân phối nên sẽ khó kiểm soát giá cả.

“Bên cạnh công tác điều phối thị trường của cơ quan chức năng, vai trò của người dân cũng đóng vai trò quan trọng. Giá cả Tết tăng một phần do tâm lý mua sắm cập rập của người dân. Vì vậy, người dân cần có sự chuẩn bị trước cho dịp Tết để tránh việc đổ xô đi mua hàng khi cận Tết”, đại diện Cục Quản lý giá nói.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã cùng với các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phối hợp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ công tác chuẩn bị nguồn hàng cũng như lưu thông hàng hóa vào nội đô trong giai đoạn cao điểm; chú trọng kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá.

Để kiểm soát giá hiệu quả, các chuyên gia thương mại cho rằng, cần phải có cơ chế giám sát thị trường, cạnh tranh lành mạnh, ngăn độc quyền, mở rộng liên kết sản xuất, phân phối, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Giá cả tuân theo quy luật thị trường, nếu thị trường được quản lý tốt thì giá cả sẽ ổn định. “Có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết”, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chỉ thị mới đây về kiểm soát giá hàng Tết, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nêu: Riêng đối với giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, Sở Tài chính phối hợp để Sở Giao thông vận tải tiếp nhận kê khai giá từ ngày 01/01/2017 theo quy định; tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Minh Phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/kiem-soat-gia-hang-hoa-dich-vu-dip-tet-nguyen-dan-20170106171555288.htm