Kiểm soát an toàn tôm xuất khẩu

Là mặt hàng xuất khẩu (XK) có giá trị lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản, con tôm chiếm đến 50% tổng giá trị XK của thủy sản Việt Nam. Để nâng cao giá trị con tôm, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh kiểm soát tồn dư kháng sinh, ngăn chặn đưa tạp chất vào tôm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết do nhu cầu thị trường chính như Mỹ, EU tăng, 9 tháng năm 2016, lượng tôm XK đã đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoại trừ thị trường Nhật Bản, XK tôm vào nhiều thị trường chính vẫn tăng trưởng khả quan như Trung Quốc tăng hơn 30%; Mỹ tăng gần 16%, Hàn Quốc tăng hơn 12%...

Cho lợi nhuận cao nhưng tương lai con tôm vẫn còn bấp bênh vì vướng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Lợi thế của ta là các đối thủ XK tôm bao như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia... do tác động của dịch bệnh đốm trắng và biến đổi khí hậu khiến sản lượng tôm sú giảm. Trong khi đó, nhu cầu từ 2 thị trường quan trọng Mỹ và Trung Quốc lại đang tăng cao. Dự đoán của chúng tôi đến hết năm 2016, kim ngạch XK tôm có thể sẽ đạt 3,1 tỷ USD", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, nhận định.

Theo số liệu của ngành thủy sản, năm 2016, diện tích nuôi tôm có thể cán mốc 660.000 ha, góp phần nâng sản lượng lên hơn 680.000 tấn. Trong thời gian tới, diện tích nuôi tôm sẽ được nâng lên khoảng 700.000 ha, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu. Hiện con tôm được đánh giá là mặt hàng còn dư địa phát triển rất lớn, có giá trị kinh tế cao và giúp nhà nông tăng thu nhập.

Trong nỗ lực giúp con tôm phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong tôm và ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm, sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó Bộ đã yêu cầu các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm bao gồm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... phải thống kê và ký cam kết cho hộ nuôi tôm, cơ sở thu mua, chế biến tôm với những nội dung cụ thể về việc không đưa tạp chất vào tôm. Tổng cục Thủy sản sẽ tổ chức các tổ công tác thường trực tại địa bàn, phối hợp với địa phương tăng cường thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở nuôi tôm; cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư thủy sản xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

"Kế hoạch của Bộ là năm 2016 phải giảm 10% tỷ lệ mẫu tôm nuôi và số lô tôm xuất khẩu vi phạm và bị cảnh báo vi phạm so với năm 2015. Sang năm 2017, những vi phạm này trong nuôi trồng và xuất khẩu tôm phải giảm 50% so với năm cũ. Mục tiêu đến năm 2018 phải cơ bản chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh tôm, cũng như không còn tình trạng đưa tạp chất vào tôm trên cả nước", ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, hiện Cục Thú y đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác thú y thủy sản, giám sát dịch bệnh và chứng nhận cơ sở có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ XK. Các ngành chức năng cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh, tăng cường thông tin tuyên truyền, tổ chức xây dựng, đánh giá và chứng nhận cơ sở sản xuất tôm giống, tôm nuôi thương phẩm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/kiem-soat-an-toan-tom-xuat-khau-20161104215630932.htm