Kiểm soát an toàn thực phẩm cần minh bạch

Hiệp hội Thực phẩm minh bạch sẽ chung tay để kiểm soát và tăng sức cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ thực phẩm an toàn, thực phẩm bẩn lẫn lộn.

Diễn đàn Thực phẩm an toàn cần minh bạch do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (FTA) phối hợp Liên minh Nông nghiệp VN (VERP) tổ chức hôm 16/6 vừa qua đã nêu tới nhu cầu tất yếu hiện nay là làm cách nào để thực phẩm sạch đúng nghĩa tới được tay người tiêu dùng thông minh trong mạng lưới các cửa hàng thực phẩm sạch, bẩn tràn lan hiện nay.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban Vận động thành lập FTA, hiện có nhiều mô hình, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn được ngành chức năng chứng nhận, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn thiếu thông tin, nhiễu loạn thông tin, dẫn đến các sản phẩm an toàn rất khó tiêu thụ, ảnh hưởng ngược lại tới sản xuất.

Tiêu chuẩn thực phẩm thế nào cho đủ an toàn?

Người tiêu dùng trước hết không có thông tin tin cậy, còn hệ thống kiểm tra, chứng nhận các nguồn thực phẩm sạch chắc chắn có vấn đề nên không xây dựng được lòng tin của người dân về những cửa hàng thực phẩm sạch mọc lên nhan nhản.

Theo FTA, quy định là yêu cầu của pháp luật phải đáp ứng với sản phẩm. Nhà sản xuất phải sản xuất được thực phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà nước quy định.

Minh bạch là tự nguyện cung cấp thêm thông tin về sản phẩm, khiến nhà sản xuất có được lợi thế cạnh tranh trước người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đứng trước thị trường nhan nhản những nhà sản xuất cùng đạt tiêu chuẩn, các thông tin minh bạch không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng nên dẫn tới không tạo nên động lực thị trường, sản phẩm đạt chứng nhận sản xuất thực phẩm sạch lại không tồn tại và phát triển.

Thực tế thị trường khi đó sẽ dẫn đến nhu cầu tất yếu là liên kết truyền thông, quảng bá, tiếp thị, xây dựng lòng tin về sản phẩm sạch.

Ngoài ra, tại diễn đàn Thực phẩm minh bạch cũng đặt ra vấn đề, lợi ích và thói quen sản xuất trong sản xuất nông hộ nhỏ lẻ là điều cản trở kỹ thuật mới.

Những hiểu biết về ATTP của người tiêu dùng ngày càng tăng lên dẫn tới tiêu chí lựa chọn thực phẩm cao hơn và nhu cầu minh bạch thực phẩm cũng tăng theo. Minh bạch ở đây cũng phải hiểu là trách nhiệm, không giấu giếm, lập lờ thông tin thì mới xây dựng được lòng tin của khách hàng.

Do vậy, để đáp ứng thị trường, người sản xuất phải đi trước một bước trong các thông tin về chất lượng sản phẩm của mình làm ra.

Giải pháp, phương pháp sinh học có tính chất bảo vệ môi trường, vốn chưa được người nông dân tiếp nhận và tin tưởng bởi thói quen và chưa nhìn thấy lợi ích thực sự của mô hình thực phẩm minh bạch.

Các biện pháp trừ sâu bệnh bằng sinh học, sử dụng công nghệ chế biến không dùng chất bảo quản, truy xuất nguồn gốc điện tử,... còn quá mới mẻ và lạ lẫm đối với nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ.

Do vậy, một điều dễ nhận thấy là chúng ta không có ngành sản xuất lớn, nhà sản xuất thực phẩm yếu thế trước khu vực thương mại và sẽ yếu thế hơn nữa sau hội nhập. Mục tiêu đối với mỗi nhà sản xuất là phải nâng tầm và vị thế của nhà sản xuất, thoát sản xuất manh mún để xây dựng thương hiệu thực phẩm minh bạch của Việt Nam.

Để đạt được điều này, FTA đưa ra mô hình liên kết sản xuất thực phẩm sạch nhằm tạo nên sức mạnh cạnh tranh với thực phẩm thiếu an toàn, mất VSATTP.

Nguyên tắc hoạt động của FTA là công khai, minh bạch thông tin để người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm, tạo đầu ra cho nhà sản xuất và nâng vị trí ngành sản xuất thực phẩm an toàn.

Tham gia liên kết chuỗi, nông dân được lợi, tiêu dùng được nhờ.

Từ đó người sản xuất có thể tiếp tục phát triển mở rộng sản xuất. Tham gia vào một mô hình liên kết, nhà sản xuất nhỏ lẻ hay các hộ nông dân sẽ có được các thị phần xứng đáng nếu sản phẩm có chất lượng, uy tín và thông tin rõ ràng, minh bạch. FTA kêu gọi bà con nông dân, các đơn vị sản xuất thực phẩm sạch cùng tham gia để tạo nên sức mạnh đẩy lùi thực phẩm bẩn.

Cụ thể, các hội viên chính thức của FTA là các tổ chức kinh tế ở Việt Nam, không vi phạm pháp luật, hoạt động sản xuất và phân phối thực phẩm,sản phẩm liên quan thực phẩm; tán thành điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện chấp hành Qui tắc ứng xử và tự nguyện viết đơn gia nhập, đóng phí gia nhập hội và hội phí đều có thể trở thành Hội viên chính thức của Hiệp hội.

Bên cạnh đó, hội viên cũng cần đạt các tiêu chuẩn về ATTP, đưa thông tin minh bạch về sản phẩm. Các tiêu chuẩn về dán nhãn minh bạch hoặc nhãn truy xuất nguồn gốc cùng với việc kiểm tra, giám sát sẽ được quy định trong nội bộ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-can-minh-bach-3311540/