Kiểm nghiệm thực tế hiệu quả giặt tẩy giữa máy giặt lồng ngang và lồng đứng

Thị trường Việt Nam hiện nay có hàng trăm máy mẫu máy giặt từ nhiều thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên khi cân nhắc mua máy giặt là lựa chọn giữa hai loại máy giặt: lồng ngang hay lồng đứng.

Lĩnh vực sản phẩm công nghệ tiêu dùng lâu nay tồn tại nhiều cuộc chiến dai dẳng khiến người dùng phải đắn đo kỹ lưỡng trước khi lựa chọn. Riêng ở sản phẩm máy giặt, người tiêu dùng hiện nay cũng đang phải đau đầu cân nhắc giữa các máy giặt lồng ngang hay lồng đứng, loại nào giặt tẩy hiệu quả hơn.

Tham khảo trên các diễn đàn hay hỏi tư vấn kỹ thuật ở các nơi bán lẻ về điện máy, chắc hẳn bạn sẽ nhận được nhiều thông tin đánh giá khác nhau về hai loại máy giặt. Tuy vậy, cũng có một điểm đa số đều đồng thuận rằng máy giặt cửa trên rẻ, gọn gàng nhưng giặt kém hiệu quả và tốn nước hơn. Trong khi đó, máy giặt cửa ngang có giá bán "nhỉnh" hơn song giặt tẩy sạch, ít tốn nước và vận hành êm ái hơn.

Những khác biệt đó đã tác động đáng kể đến tỷ lệ tiêu thụ máy giặt lồng ngang và lồng đứng. Theo số liệu của hãng nghiên cứu GFK, tuy máy giặt lồng đứng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường máy giặt ở Việt Nam nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, máy giặt lồng ngang đang tăng ở tốc độ cao gấp đôi so với máy giặt lồng đứng. Tính riêng 9 tháng đầu năm nay so với năm ngoái, tăng trưởng máy giặt lồng ngang là 36% và lồng đứng là 18%. Cụ thể, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 962 nghìn máy giặt trong 9 tháng đầu năm 2015, trong đó lồng đứng khoảng 831 nghìn chiếc và lồng ngang khoảng 131 nghìn chiếc. Trong 9 tháng đầu năm nay, máy giặt lồng ngang đã tăng lên khoảng 190,5 nghìn chiếc trong tổng số khoảng 1,17 triệu chiếc máy giặt tiêu thụ trên thị trường.

Thống kê của GFK về thị trường máy giặt tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2015 và 2016

Thống kê của GFK về thị trường máy giặt tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2015 và 2016

Xu hướng tiêu thụ máy giặt lồng ngang đặc biệt mạnh ở khu vực thành thị, nơi có thu nhập đầu người cao hơn mức trung bình. Theo số liệu thống kê tại hệ thống siêu thị điện máy Pico với các điểm bán tập trung ở các thành phố lớn, tỉ trọng giữa 2 loại máy giặt là 54% cho lồng ngang và 46% cho lồng đứng trong 2 năm trở lại đây.

Mặc dù xu hướng thị trường là như vậy song việc lựa chọn máy giặt lồng ngang hay lồng đứng vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Xuất phát từ băn khoăn này, VnReview đã tiến hành so sánh thực tế giữa hai loại máy giặt lồng ngang và lồng đứng với hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích trong việc chọn lựa.

So sánh thực tế giữa máy giặt lồng ngang và lồng đứng

Chúng tôi sử dụng hai mẫu máy giặt lồng ngang và lồng đứng có khối lượng giặt tối đa tương đương nhau. Cả 2 máy sẽ cùng giặt một lượng quần áo với các loại vải quen thuộc như len, lụa, đũi, cotton...và sử dụng các loại nước giặt chuyên dụng cho từng loại máy. Khả năng bảo vệ quần áo, chống sờn vải sẽ được kiểm nghiệm với chế độ giặt bảo vệ sợi vải chuyên biệt của từng máy. Sau mỗi một lần giặt, các loại quần áo sẽ được kiểm tra kỹ càng, chụp ảnh cận cảnh để thấy sự hư hại của sợi vải.

Kết quả kiểm nghiệm khả năng bảo vệ quần áo cho thấy, với máy giặt lồng đứng, các chất liệu vải như len, lụa, đũi, cotton đều bị hư hỏng, biến dạng mạnh chỉ sau khoảng 4 đến 30 lần giặt. Với chất liệu nhạy cảm như lụa, len, đũi, sợi vải bị xô, bung chỉ và xù lông rất mạnh. Trong khi đó, ở máy giặt lồng ngang, các chất liệu này chỉ bị biến dạng, xô sợi nhẹ, vẫn giữ được kiểu dáng, đường chỉ, độ bền đẹp.

Chất liệu lụa sau các lần giặt

Chất liệu len sau các lần giặt

Chất liệu đũi sau các lần giặt

Chất liệu cotton sau các lần giặt

Khả năng tiết kiệm điện nước, vắt khô, chống xoắn rối sẽ được kiểm nghiệm với chế độ giặt tự động. Chúng tôi sử dụng các thiết bị chuyên dụng như cân điện tử, bể đo, máy đo điện để kiểm nghiệm độ vắt khô, lượng điện nước tiêu thụ của 2 loại máy giặt. Ở hạng mục này, máy giặt lồng ngang cũng cho kết quả tốt hơn.

Cụ thể, trên cùng một lượng quần áo ban đầu là 2,266 kg, sau khi giặt và vắt xong, cân lại quần áo từ máy giặt lồng ngang được 3,028Kg, còn máy giặt lồng đứng được 3,826 Kg. Như vậy, máy giặt lồng ngang vắt khô hơn lồng đứng khoảng 20%.

Kết quả kiểm nghiệm độ vắt khô

Với khả năng chống xoắn rối, máy giặt lồng ngang không gây xoắn rối quần áo vào nhau. Quần áo tơi ra, ít nhàu, dễ dàng lấy ra khỏi lồng giặt. Ở máy lồng đứng, quần áo bị xoắn chặt vào nhau thành từng cục lớn, nhăn nhàu mạnh và rất khó khăn để gỡ chúng ra.

Ở kiểm nghiệm tiêu thụ điện nước, trong 1 lần giặt, máy lồng ngang tiêu thụ điện hết 0,145 KWh và tiêu thụ nước hết 47,5 lít. Máy lồng đứng tiêu thụ điện hết 0,1KWh và tiêu thụ nước hết 110 lít. Như vậy, lồng đứng tiêu thụ nước nhiều hơn lồng ngang tới 132% nhưng tiêu thụ điện ít hơn 31%. Tính tổng chi phí điện nước, lồng đứng tốn kém hơn lồng ngang khoảng 78%.

Kết quả tiêu thụ điện

Kết quả tiêu thụ nước

Tổng chi phí điện nước của một chu trình giặt

Trong quá trình thực hiện kiểm nghiệm, chúng tôi nhận thấy chế độ giặt bảo vệ vải chuyên dụng của máy giặt lồng ngang gần như không tác động nhiều lên quần áo. Lồng giặt chỉ đảo, lắc nhẹ, lượng nước sử dụng rất ít. Với máy giặt lồng đứng, lồng giặt vẫn quay khá mạnh và máy vẫn phải sử dụng nhiều nước. Có lẽ chính vì cơ chế hoạt động nhẹ nhàng như vậy nên quần áo từ máy giặt lồng ngang ít bị hư hại hơn.

Tổng kết

Các kết quả trên cho thấy, quả thật máy giặt lồng ngang cho hiệu quả giặt giũ tốt hơn máy giặt lồng đứng. Đặc biệt là ở khả năng bảo vệ sợi vải, giữ quần áo bền đẹp, chống xoắn rối, vắt khô, tiết kiệm chi phí điện nước.

Chi phí đầu tư ban đầu cho máy giặt lồng ngang có cao hơn máy giặt lồng đứng nhưng tính về lâu dài bạn sẽ tiết kiệm đáng kể các chi phí khác về điện nước, chi phí quần áo, đặc biệt là các loại quần áo nhạy cảm như lụa, len, đũi sẽ có độ bền tốt hơn.

Video so sánh chi tiết hiệu quả giặt giữa máy giặt lồng ngang và lồng đứng

Nguồn VnReview: https://vnreview.vn/tu-van-do-gia-dung/-/view_content/content/2020668/kiem-nghiem-thuc-te-hieu-qua-giat-tay-giua-may-giat-long-ngang-va-long-dung