Kiểm dịch thực vật gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc

Đoàn cán bộ kiểm dịch thực vật phía Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến hành đi kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam về việc kiểm dịch thực vật đối với gạo của Việt Nam.

Đóng bao gạo xuất khẩu tại Tổng công ty lương thực miền Nam. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Đoàn cán bộ kiểm dịch thực vật của Trung Quốc vừa sang làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc kiểm dịch thực vật đối với gạo của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường nước này. Theo đó, đoàn cán bộ kiểm dịch thực vật phía Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến hành đi làm việc với 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm của buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với đoàn cán bộ kiểm dịch thực vật của Trung Quốc diễn ra ngày hôm nay (16/11), tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nêu rõ, từ năm 2004 đến nay Việt Nam không có 2 loại tuyến trùng mà phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu kiểm dịch lần này. Và hiện nay, Cục vẫn duy trì giám sát thường xuyên đối với 2 loại tuyến trùng này.

Cục trưởng Hoàng Trung cũng cho biết, về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Cục cũng đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp sử dụng đúng thuốc trong danh mục, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách) nhằm phòng trừ dịch hại hiệu quả và không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

“Cục cũng tiến hành chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên lúa nhằm đảm bảo toàn bộ sản phẩm đưa vào kho của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm,” Cục trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu ngành lúa gạo. Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo tập trung vào 2 lĩnh vực: đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh Việt Nam đang thực hiện xây dựng thương hiệu gạo và đảm bảo chất lượng xuất khẩu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp cũng liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng những vùng nguyên liệu rộng lớn, đảm bảo nguồn lúa gạo đảm bảo chất lượng để xuất khẩu.

“Vùng trọng điểm lúa gạo của Việt Nam tập trung ở phía Nam, nhất là vùng Đồng bằng song Cửu Long. Nhiều vùng nguyên liệu vài trăm hécta, trồng lúa chất lượng cao của những doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân. Trong số 31 doanh nghiệp mà Tổng cục kiểm dịch của Trung Quốc đến làm việc lần này, đa số đều có vùng nguyên liệu, cơ bản kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm,” Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, nói về cơ chế quản lý gạo xuất khẩu, tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đã ban hành Nghị định về kinh doanhxuất khẩu gạo./.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Một năm Việt Nam sản xuất 45 triệu tấn thóc và lượng gạo xuất khẩu hàng năm vào khoảng 6-7 triệu tấn (tương đương với 25% tổng sản lượng).

Trong 10 tháng của năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần triệu tấn gạo đi 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Châu Mỹ, EU, Hàn Quốc, Singapo...

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng của năm 2016 với 35,4% thị phần. Chín tháng qua, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,35 triệu tấn và có giá trị khoảng 613,8 triệu USD.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kiem-dich-thuc-vat-gao-viet-nam-xuat-khau-sang-trung-quoc/416368.vnp