Kiếm bộn tiền nhờ bán hoa quả nhiễm xạ từ Chernobyl

Tuy các cộng đồng nhỏ ở châu Âu gặp khó khăn kinh tế, những người dân ở một khu vực gần nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl vẫn sống sung túc.

Hoa quả nhiễm phóng xạ có thể đã được nhập vào một số nước châu Âu

26.04.1986, thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra, làm phóng xạ lan ra tới bán kính 28.000km2. Cư dân nhiều tỉnh quanh đó đều sơ tán và tái định cư để tránh ảnh hưởng sức khỏe. Suốt 30 năm, các chương trình phục hồi hầu hết không hiệu quả.

Tuy nhiên riêng ở Polesia (Rivne, Bắc Ukraine), chỉ cách trung tâm thảm họa 300km, mọi thứ vẫn rất sôi động. Đầu tiên, tiền tới từ việc buôn bán hổ phách. Loại tài nguyên này đã tăng giá tới 1.500 lần do nhu cầu của Trung Quốc tăng vọt. Tuy nhiên, còn một nguồn thu khác, đó là hoa quả.

Bất kỳ ai ở Polesia đều có thể hành nghề hái nho rừng (berry). Sau thảm họa Chernobyl, các quan chức đã cấm việc sử dụng thực vật nhưng qua thời gian càng ngày càng ít người quan tâm tới lời cảnh báo. Họ sẵn sàng vào rừng 10 tiếng một ngày, vác tải berry nặng tới gần 20kg. Cả phụ nữ, trẻ em tại đây đang thực hiện điều mà chính phủ chỉ hứa suông, đó là phục hồi lại thương mại tại vùng đất chết.

Theo chân những người hái lượm vào rừng có thể thấy họ làm việc vô cùng quy củ: bước đi hối hả, đào, xới và cắt quả. Không có tiếng động nào khác trừ âm thanh lạo xạo của quả được thả vào giỏ. Khi thu hoạch đủ, họ quay lại đường lớn cách đó vài km, dựng sạp và bán tại chỗ.

Loại quả berry đông lạnh được ưa chuộng ở châu Âu

Hái lượm là truyền thống kiếm sống của người Polesia vì đất nghèo chất khoáng, trồng trọt không thể phát triển. Họ chỉ có thể sống bằng thực phẩm tự nhiên. Tính tới năm 2015, Ukraine xuất khẩu 1.300 tấn hoa quả tươi và 17.251 tấn hoa quả đông lại, gấp 30 lần so với 2014 - và là một trong những nhà xuất khẩu việt quất lớn nhất tại EU.

Galina là người hái quả toàn thời gian. Bà kiếm được 25 USD/ngày. Có người còn thu về tới 80 USD/ngày.

Thành công này đáng chú ý ở việc quả berry vẫn có dấu tích của thảm họa. Tại một khu chợ đầu mối, chiếc máy kiểm tra nồng độ phóng xạ của người kiểm soát liên tục hiện chỉ số quá mức cho phép. "Tất cả berry từ Polesia đều có phóng xạ cả", cô lơ đãng nói.

Tuy nhiên, số lượng quả nhiễm phóng xạ quá nặng không bị loại bỏ mà chỉ được đặt sang một bên, và được bán với giá thấp hơn. Các nhà bán buôn cho biết loại này được dùng để sản xuất thuốc nhuộm hay trộn với các thùng berry an toàn hơn để giảm nồng độ xuống thấp dưới mức cho phép, rồi nhập vào EU một cách hợp pháp.

Người dân Polesia hái quả dại

Đương nhiên ban đầu chẳng ai nghĩ tới việc làm sống lại nền kinh tế bằng cách khai thác nông sản. Các nhà khoa học Liên Xô đã yêu cầu cấm tiêu thụ quả rừng sau thảm họa, nhưng người dân Polesia vẫn tiếp tục thu hoạch. Họ lén lút bán sản phẩm tại khu vực và học cách qua mặt cảnh sát để không bị phát hiện là người Polesia.

Tháng 8 là đợt cuối cùng những tải berry lớn được chở khỏi Polesia. Vào mùa thu, họ chuyển sang hái nấm. Dân Polesia thuộc nằm lòng các vùng đất mà nông sản bị nhiễm phóng xạ nặng, và tập trung ở nơi mà sản phẩm vẫn được EU chấp nhận. Phải tự lập hoàn toàn, đôi khi người dân bất mãn: "Chúng tôi ở đây cung cấp hoa quả sạch ra nước ngoài, và nhận lại nước uống hương liệu, bán đi những thớ gỗ thông tốt nhất và nhận lại bàn ghế ván ép".

Kiểu trao đổi "thuộc địa" này khá phổ biến, đó là tầng lớp nghèo tiêu thụ sản phẩm phụ độc hại, còn hàng hóa tốt đổ vào túi những người lắm tiền. Chỉ khác là người tiêu dùng có lẽ tin tưởng vào nhãn "thực phẩm hữu cơ tự nhiên" mà không hề biết mình đang ăn đồng vị phóng xạ hàng ngày, trong khi vẫn chưa rõ liệu có gây ảnh hưởng sức khỏe hay không.

Cơ quan năng lượng Nguyên tử của WHO cho rằng mức phóng xạ tại Polesia quá thấp để ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng đây là kết luận dựa trên hai vụ đánh bom Hiroshima và Nagasaki chứ không xét riêng Chernobyl.

Wladimir Wertelecki, một nhà di truyền học tại Đại học California, San Diego (Mỹ) cho rằng nhận định kiểu đó không ổn: "Hai quả bom nổ chẳng là gì so với việc ăn đồng vị phóng xạ hàng ngày". Suốt 16 năm, ông đã chỉ ra được rằng phóng xạ thấp gây ảnh hưởng âm thầm những cơ quan quan trọng, gây ra tỷ lệ dị tật bẩm sinh tại khu vực cao gấp 3 lần châu Âu. Có người ở tuổi 50 đã đột quỵ tới 2 lần và mắc ung thư.

"Tôi khá bất ngờ khi biết khối u lớn lên từng ngày. Tôi hỏi bác sĩ có thể dời ca mổ sang mùa thu để hoàn thành công việc trước hay không, họ nói rằng lúc đó thì tôi chết rồi", một bệnh nhân nói. Ngoài ra, rất nhiều cư dân khác hay đau và sưng khớp, mệt mỏi, đau đầu mãn tính, chân bất ngờ tê dại. Và tới giờ, vẫn rất ít cơ quan bỏ tiền tài trợ nghiên cứu về hậu quả của thảm họa.

Thu hoạch việt quất

Việc xuất khẩu berry từ Polesia bản thân nó có thể vô tình biến thành một thí nghiệm của phóng xạ liều nhỏ lên người mà họ không hề hay biết. Thật khó để nói trước được hậu quả có thể xảy ra, vì như đã nói, hầu như không có nghiên cứu y học nào về vấn đề này. Theo lý thuyết, thì Chernobyl là sự kiện tất yếu trong kỷ nguyên địa chất Anthropocene, khi con người là động lực thay đổi hành tinh. Với 60 nhà máy điện hạt nhân mới xây dựng mỗi năm, rất có thể sau này cả trái đất sẽ biến thành Polesia.

Còn người dân thị trấn này đã học cách quen với điều đó, rằng không có cách nào để giải quyết. Galina không quan tâm tới chính sách cấm đoán lắm: "Chúng tôi ăn mọi thứ, chẳng chừa lại gì. Người ta cứ than vãn "Chernobyl, Chernobyl. Đó chẳng là gì cả. Tôi làm việc và tiếp tục sống. Con người phải biết thích nghi"

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/kiem-bon-tien-nho-ban-hoa-qua-nhiem-xa-tu-chernobyl-727685.html