Kích cầu tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long

Ngày 23-11, tại TP Phan Thiết, Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị “Xúc tiến tiêu thụ thanh long” nhằm hỗ trợ tiêu thụ thanh long của các tỉnh có thanh long nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng tại thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời là dịp để người sản xuất, các doanh nghiệp thu mua, phân phối thanh long trong và ngoài nước gặp gỡ, tìm hiểu, tiếp xúc để bàn bạc, thỏa thuận phương thức hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ thanh long.

Hiện nay, diện tích gieo trồng thanh long trên cả nước khoảng 37.000 ha; sản lượng khoảng 630.000 tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An. Trong đó, 80% sản lượng tập trung cho xuất khẩu, còn lại 20% là tiêu thụ nội địa.

Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, năm nay xuất khẩu thanh long chiếm 70%, thị trường nội địa đã tăng lên 30%. Với chương trình xúc tiến này, hy vọng kích cầu hơn nữa thị trường tiêu thụ nội địa, cùng với đó tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Với diện tích và sản lượng vượt trội có thể cho trái quanh năm, thanh long Bình Thuận chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất thanh long của cả nước. Các doanh nghiệp của Bình Thuận đã xuất khẩu thanh long tới 14 thị trường nước ngoài. Hầu hết thị trường trong nước cũng đều có sản phẩm thanh long Bình Thuận. Theo ông Ngô Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, đó là phải tăng cường quản lý phát triển quy hoạch phát triển thanh long; đẩy mạnh sản xuất thanh long an toàn theo quy trình GAP; xây dựng cơ sở sơ chế, đóng gói bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; bố trí sản xuất rải vụ; tổ chức gắn kết chặt chẽ giữ sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Do hiệu quả kinh tế trong sản xuất thanh long cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nên diện tích ngày càng mở rộng, sản lượng thanh long ngày càng tăng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, nên có lúc giá cả thiếu ổn định. Khâu tiêu thụ thanh long thời gian qua vẫn chưa bền vững, ẩn chứa nhiều rủi ro; thị trường nội địa chưa được doanh nghiệp quan tâm mở rộng.

Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Trần Ngọc Hiệp cho biết, đây là thị trường rất lớn với 90 triệu dân, nếu nhà nước, doanh nghiệp, cùng với nông dân trồng thanh long tập trung mở rộng thị trường nội địa một cách quyết liệt thì sản lượng tiêu thụ trong nước sẽ tăng lên, giá cả ổn định, người sản xuất, doanh nghiệp cùng được lợi.

Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chợ đầu mối có 40 ô vựa kinh doanh thanh long, hàng đêm nhập chợ khoảng 45 tấn. Việc mua bán tại chợ do thương nhân tự thỏa thuận về giá cả và chất lượng sản phẩm, nên đa số trái thanh long tại chợ chưa theo một tiêu chuẩn nào. Đây là một khó khăn trong công tác quản lý chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dung.

Về khó khăn trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn GAP mà các địa phương nêu ra Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thành Nam nhấn mạnh, quy chuẩn, tiêu chuẩn thanh long sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Bộ đã xây dựng. Bây giờ, các doanh nghiệp phải đồng hành với nhau triển khai tiêu chuẩn này ra các vùng nguyên liệu, xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Bộ NN-PTNT cũng đang phối hợp Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu thanh long để từ đó mới tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế - Thứ trưởng Trần Thành Nam cho biết thêm.

Hiện nay, Bình Thuận và các địa phương trồng thanh long đang tích cực triển khai Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, của quốc gia và Chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh và khu vực; tiếp cận thị trường, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến các hoạt động phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương có dung lượng thị trường lớn.

Tại Hội nghị, các thỏa thuận hợp tác tiêu thụ thanh long đã được ký kết: giữa Sở Công Thương ba tỉnh trồng thanh long là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với Sở Công Thương các địa phương là thị trường tiêu thụ; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến thanh long với các nhà phân phối truyền thống và hiện đại; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến thanh long với các thương nhân xuất khẩu thanh long trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa tham quan một gian hàng thanh long được giới thiệu tại Hội nghị.

Các sản phẩm chế biến từ thanh long được giới thiệu tại Hội nghị.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31354602-kich-cau-tieu-thu-noi-dia-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-thanh-long.html