Kịch bản nào đón đợi nước Mỹ nếu bà Clinton trở thành Tổng thống?

Theo một số chuyên gia, đường lối đối ngoại cứng rắn của bà Clinton có thể gây hại cho nước Mỹ nếu bà trở thành Tổng thống. VOV.VN - Cách đây 2 mùa giải, Real đánh bại Atletico 4-1 trong trận chung kết Champions League.

Phó Giáo sư Trevor Thrall, người chuyên nghiên cứu chính sách và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Mason cho rằng, nước Mỹ và cả thế giới có thể sẽ phải chứng kiến một "cơn ác mộng" trong chính sách đối ngoại của Washington nếu ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton. (Ảnh: UPI)

“Hãy tưởng tượng vào buổi sáng 21/1/2017, Tổng thống Hillary Clinton bước vào phòng Bầu dục để chủ trì cuộc họp báo hàng ngày đầu tiên trên cương vị mới. Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy rằng, cuộc họp báo đầy rẫy những tin tức khủng khiếp về các điểm nóng bất ổn trên khắp thế giới”, ông Thrall viết trong một bài bình luận được đăng tải trên tạp chí National Interest.

3 quyết định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ

Theo học giả này, có 3 quyết định mà bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ đưa ra khi trở thành Tổng thống và những quyết định này có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định của nước Mỹ trong nhiều năm tới.

Ông Thrall viết: “Quyết định đầu tiên sẽ là cử hàng nghìn binh lính Mỹ tới Iraq và Syria để tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Quyết định tồi thứ hai của bà Clinton sẽ là cố gắng để khôi phục ổn định ở Iraq. Quyết định thứ ba nếu trở thành Tổng thống của bà Clinton sẽ là đảo ngược kế hoạch rút bớt quân khỏi Afghanistan của ông Obama”.

Có rất ít người nghi ngờ rằng, nếu trở thành Tổng thống, bà Hillary Clinton sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn người tiền nhiệm Barack Obama. Điều này đã được chứng minh qua các chính sách mà bà Clinton theo đuổi khi còn giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ cũng như qua những lời hùng biện của bà trong chiến dịch tranh cử đang diễn ra.

“Bà Hillary Clinton là một trong những Ngoại trưởng có đường lối cứng rắn nhất mà tôi được biết. Trong vai trò một ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, cách tiếp cận của bà ấy không có gì thay đổi”, ông Thrall nhận định.

Cũng theo học giả này, nếu chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, bà Clinton sẽ phải đối mặt với “một số trở ngại trong nỗ lực để phát huy vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, khẳng định vị trí siêu cường của Washington trên trường quốc tế”.

Bà Hillary Clinton trong một cuộc vận động tranh cử tại Đại học California, Riverside. (Ảnh: New York Times)

Mỹ sẽ lún sâu hơn vào bế tắc ở Trung Đông và Trung Á

Nếu bà Clinton chiến thắng, Washington sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Trung Á và Trung Đông. Và chắc chắn, trong kế hoạch của Mỹ sẽ không thể thiếu cái tên Libya. Ông Thrall cho rằng, có rất ít lý do để nghĩ rằng bà Clinton chưa sẵn sàng chấp nhận có thêm các hoạt động quân sự tại Libya nhằm tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Phó Giáo sư Thrall cho biết, ông đã hình dung ra hình ảnh một nước Mỹ “diều hâu” dưới thời Hillary Clinton và Washington có thể chấp nhận việc duy trì 50.000 lính thường trực ở Iraq để chống IS và giúp nền kinh tế của đất nước này phục hồi.

Tuy nhiên, chính vì lý do đó mà cả Syria và Iraq sẽ tiếp tục trở thành “vũng lầy” kéo lực lượng Mỹ lún sâu hơn vào những khó khăn không có lối thoát. Thêm vào đó, với việc mở rộng chiến dịch quân sự trong khu vực, Washington cũng phải đối mặt thêm với các rủi ro khi không tránh khỏi va chạm lợi ích với Moscow.

Ngay cả khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO hay Lầu Năm Góc có giành được chiến thắng thì cũng chỉ là chiến thắng trong ngắn hạn và điều đó không đủ để đảm bảo những mối đe dọa khủng bố sẽ không quay trở lại Trung Đông.

“Chiến thắng về mặt quân sự sẽ chẳng đóng góp được điều gì cho việc giải quyết cuộc xung đột sắc tộc và chính trị vốn đã bị xé nát ở Iraq kể từ khi Chính quyền của ông Saddam Hussein bị sụp đổ.

Chiến thắng cũng chẳng giúp gì cho nỗ lực của Mỹ xây dựng một nền dân chủ và ổn định lâu dài ở Iraq. Có một điều mà chúng ta không thể quên, đó chính là việc IS đã tự lớn mạnh thế nào sau những hỗn loạn xuất phát từ hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào quốc gia này năm 2003”, ông Thrall nói.

Gia tăng nguy cơ Mỹ và đồng minh bị tấn công

Cũng theo chuyên gia Thrall, nếu Tổng thống mới của Mỹ chỉ đạo thêm các hành động can thiệp thì điều này sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ của các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai để chống Mỹ và các đồng minh.

Ứng cử viên Hillary Clinton phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại trường Hartnell ở Salinas, California. (Ảnh: AP)

Đối với trường hợp của Afghanistan, mặc dù con số thương vong về người mà Mỹ phải hứng chịu là 2.300, cùng với đó là khoản chi lên tới hơn 1.000 tỷ USD nhưng cho đến nay, tất cả các nỗ lực của Washington chỉ mang lại kết quả là con số không tròn trĩnh và Afghanistan vẫn không thể tự tồn tại nếu thiếu sự hỗ trợ của Mỹ.

Nếu bà Hillary Clinton đảo ngược quyết định của ông Obama rút quân khỏi khu vực Trung Á, những sự hy sinh và tài sản của người Mỹ có thể sẽ bị tiếp tục lãng phí vô ích.

“Đây sẽ thực sự là một cơn ác mộng. Tất cả ba quyết định có vẻ như hoàn toàn hợp lý với những quyết định của hai vị Tổng thống tiền nhiệm. Những gì bà Clinton đã thể hiện khi còn làm Ngoại trưởng và các ý kiến bà ấy đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử cho thấy, bà ấy sẽ còn tiếp tục theo đuổi những gì đã lựa chọn”, ông Thrall nhấn mạnh.

Paul Craig Roberts, một học giả từng là trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ trong chính quyền Tổng thống Ronald Reagan trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Sputnik hồi tháng 4/2016 cũng có chung nhận định với phó Giáo sư Thrall khi cáo buộc rằng, chính bà Hillary Clinton trong vai trò Ngoại trưởng Mỹ phải chịu trách nhiệm đối với cuộc nội chiến ở Libya, Syria và thậm chí là cả cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống hợp pháp của Ukraine.

Ông cũng lưu ý thêm rằng, sự thật đằng sau vấn đề này đó là bà Hillary Clinton được một đội ngũ các cộng sự là những chuyên gia quân sự hỗ trợ và bà sẽ đại diện cho lợi ích của mình chứ không phải vì lợi ịch của người dân Mỹ.

Đồng quan điểm với ông Paul Craig Roberts, giáo sư Jeffrey Sachs cũng đã chia sẻ quan điểm tương tự với Huffington Post trong bài viết có tựa đề: “Hillary là ứng cử viên của bộ máy chiến tranh”. Trong đó ông viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Hillary là ứng cử viên của phố Wall. Thậm chí nguy hiểm hơn, bà ấy là ứng cử viên đại diện cho ngành công nghiệp quân sự”.

“Ý tưởng cho rằng, bà ấy (Hillary Clinton) yếu trong các vấn đề kinh doanh nhưng giỏi trong việc đảm bảo an ninh quốc gia là sai lầm”, ông Sachs cảnh báo./.

Hùng Cường/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/kich-ban-nao-don-doi-nuoc-my-neu-ba-clinton-tro-thanh-tong-thong-514482.vov