Kịch bản nào cho cuộc chia tay giữa Anh và EU?

Thủ tướng Theresa May ngày 2/10 tuyên bố Anh sẽ khởi động các cuộc đàm phán về Brexit vào cuối tháng 3/2017, bắt đầu lộ trình đưa quốc gia này chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào đầu năm 2019.

Quyết định này sẽ đưa Anh vào một giai đoạn căng thẳng với các đối tác EU vốn đã thể hiện rõ sự thất vọng khi Anh liên tục trì hoãn khởi động thủ tục cho cuộc “ly hôn” này. Đây là tuyên bố cụ thể và chắc chắn nhất của Thủ tướng May về việc nước Anh rời EU kể từ khi bà trở thành Chủ tịch đảng Bảo thủ và người đứng đầu nội các.

Các cường quốc châu Âu, những nước muốn ngăn chặn làn sóng hoài nghi châu Âu ngày càng lan rộng ngay trong chính khu vực, đã tỏ rõ sự cứng rắn với Anh, cảnh báo rằng các cuộc đàm phán không chính thức chưa thể diễn ra chừng nào quốc gia này chưa tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm. Quyết định của Thủ tướng May đồng nghĩa với việc thủ tục “ly hôn” sẽ bắt đầu trước các cuộc bầu cử quan trọng tại Đức và Pháp trong năm tới, những sự kiện được cho là sẽ có nhiều tác động khó lường đến tình hình hai cường quốc hàng đầu châu Âu.

Bà Theresa phát biểu tại hội nghị của đảng Bảo thủ ngày 2/10.

Chính phủ của Thủ tướng Anh và đảng Bảo thủ đang có nhiều bất đồng về việc họ sẽ xúc tiến một quá trình rời bỏ EU “cứng rắn” hay “êm thấm”. Một cuộc chia tay khó khăn đồng nghĩa với việc Anh cắt đứt toàn bộ mối liên hệ với các thể chế của EU và rút khỏi thị trường đơn nhất, thay vào đó chỉ dựa vào các nguyên tắc và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới trong các hoạt động thương mại quốc tế. Trong khi đó, kịch bản ra đi “êm thấm” sẽ là Anh vẫn giữ quyền tham gia thị trường đơn nhất theo một vài hình thức nào đó. Tuy nhiên, giới lãnh đạo EU đã nói rõ rằng điều kiện đi kèm với quyền lợi này là Anh phải chấp nhận tiếp tục tuân thủ quy định về quyền tự do di chuyển cho người lao động tại thị trường EU.

Làn sóng di cư khổng lồ và vượt ra ngoài tầm kiểm soát tại châu Âu là một trong những nhân tố then chốt tác động tới cuộc trưng cầu ý dân lịch sử tại Anh, đưa họ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU sau 4 thập kỷ làm thành viên. EU khẳng định rằng nếu Anh muốn có tự do thương mại với EU, họ phải chấp nhận điều khoản tự do dịch chuyển lao động trong khu vực. Tuy nhiên, Thủ tướng May cũng thể hiện rõ sự cứng rắn trong bài phát biểu tại hội nghị của đảng Bảo thủ ngày 2/10. Bà khẳng định rằng dù rất muốn duy trì dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ tự do, song bà sẽ chuẩn bị cho việc rời khỏi thị trường đơn nhất nếu cần thiết, đồng thời nhấn mạnh nước Anh “sẽ tự quyết định cách kiểm soát” cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Để trấn an các nhân vật phản đối EU trong đảng Bảo thủ, Thủ tướng May còn cho biết bà sẽ trình Quốc hội Anh đề xuất hủy bỏ việc áp dụng Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (ECA) đối với nước Anh, vốn cho phép EU áp đặt các luật lệ trên đất Anh. Bà cho biết chính phủ sẽ đồng thời tách các quy định của EU ra khỏi hệ thống luật pháp của Anh và hủy bỏ những quy định không phù hợp theo từng trường hợp cụ thể.

Nhiều lãnh đạo châu Âu và cả những thành viên đảng Bảo thủ có tư tưởng hoài nghi châu Âu đã nhanh chóng hoan nghênh quyết định này của Thủ tướng May - một trong những người ủng hộ việc giữ Anh ở lại trong khối. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên trang cá nhân Twitter rằng ông rất “hoan nghênh sự rõ ràng” của Anh, và khẳng định rằng ngay khi Điều 50 chính thức được triển khai, EU sẽ xúc tiến các hoạt động nhằm “đảm bảo các lợi ích của mình”.

Tuy nhiên, nhà lập pháp Anna Soubry của đảng Bảo thủ, người vận động để Anh ở lại trong EU, cảnh báo rằng chính phủ của bà May có thể đã quá vội vã khi quyết định triển khai tiến trình ra khỏi liên minh trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử tại Anh và Đức. Bà cho rằng điều này có thể dẫn tới một thỏa thuận thiếu thỏa đáng.

TTK

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/kich-ban-nao-cho-cuoc-chia-tay-giua-anh-va-eu-20161003213420631.htm